Tiết kiệm tiếp tục là kênh đầu tư hiệu quả

Tiết kiệm tiếp tục là kênh đầu tư hiệu quả

Dù lãi suất tiền gửi giảm hơn so với trước, nhưng trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và có mức sinh lời chắc chắn nhất.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%). Huy động vốn của các TCTD tăng 0,51%. So với cùng kỳ năm trước tỷ lệ huy động vốn có giảm nhưng trong bối cảnh hiện tại, theo đánh giá của giới chuyên môn, đây vẫn là tín hiệu tích cực, khi nguồn đầu vào và đầu ra của ngân hàng vẫn cân bằng. Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 0,5%.

Báo cáo hoạt động của các TCTD trong tuần 24/3 – 27/3 của NHNN, hiện, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Đối với kỳ hạn dài hơn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lãi suất ở mức 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm. Cá biệt, theo khảo sát của phóng viên có những ngân hàng lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất cao hơn có thể từ 8%/năm nhưng yêu cầu kèm theo cũng cao hơn.

Mặc dù các ngân hàng giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng qua khảo sát hoạt động huy động vốn của các ngân hàng vẫn ổn định, nhất là các kỳ hạn trung, dài hạn. Dù lãi suất tiền gửi giảm hơn so với trước, nhưng trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn và có mức sinh lời chắc chắn nhất. Chị Phương Lan – Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, hiện thị trường chứng khoán đang sụt giảm mạnh vì dịch Covid-19, trong khi bất động sản cũng ảm đạm, không có giao dịch, nên gửi tiết kiệm dài hạn là kênh đầu tư sinh lời ổn định.

Quả vậy, hiện mặt bằng lãi suất kỳ hạn trên 6 đến 12 tháng vẫn chênh 2-3%/năm so với kỳ hạn ngắn, nên theo nhận định của TS. Võ Trí Thành – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, mức lãi suất này vẫn đủ hấp dẫn tạo khoảng không lớn để NHTM tiếp tục huy động kỳ hạn dài hơn, còn người gửi tiền tiếp tục có kênh sinh lời an toàn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong các kênh đầu tư hiện nay, có thể nói, kênh gửi tiết kiệm đối với người dân vẫn là một trong những kênh phát huy hiệu quả. Phân tích sâu hơn, LS.TS. Bùi Quang Tín – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, chứng khoán không phải là kênh đầu tư phù hợp cho đại bộ phận người dân. Hơn nữa đổ tiền vào thị trường thời điểm này rủi ro cũng rất lớn, nên nhà đầu tư đang có xu hướng chờ đợi những thông tin tích cực hơn. Kênh đầu tư bất động sản thanh khoản kém. Thị trường hàng hóa và đầu tư khác thì đến 70% hoạt động cầm cự qua đại dịch lần này. “Hiện lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng khoảng 7-8%/năm trừ lạm phát 4% thì người dân vẫn được lãi 3-4%. Cho nên, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hiệu quả. Với việc hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng còn 4,75%/năm, nếu người gửi tiền kỳ hạn dưới 6 tháng, họ vẫn có khoản dư nhất định. Đây vẫn là kênh đầu tư hiệu quả cho người dân”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Về phía ngân hàng, lãnh đạo của SeABank cho biết, ngân hàng đang đưa mức lãi suất hấp dẫn hơn với kỳ hạn 6 đến 12 tháng, và các kỳ hạn từ 3 đến 10 năm chắc chắn lãi suất tốt hơn. Với động thái này, ngân hàng muốn thu hút nguồn tiền gửi dài hạn đảm bảo các chỉ số an toàn vốn và các chỉ số khác.

Trong khi theo một lãnh đạo ngân hàng khác, bên cạnh giảm lãi suất điều hành, NHNN còn tăng lãi suất dự trữ bắt buộc. Sự kết hợp này giúp các ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí, tạo nguồn lực để ngân hàng giảm lãi suất đầu ra cho DN trong khi duy trì ổn định lãi suất đầu vào. Hiện ngân hàng đang đảm bảo duy trì mức lãi suất tốt cho các kỳ hạn trung, dài hạn để thu hút được khách hàng gửi kỳ hạn dài nhiều hơn, tạo điều kiện cho các ngân hàng có nguồn vốn dài hơi cho vay các DN, nhất là khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn theo hướng chặt chẽ hơn.

Nhận định kênh tiết kiệm vẫn khá tốt so với kênh đầu tư khác, nhưng TS. Nguyễn Đức Độ tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, việc thu hút vốn dài hạn vẫn là thách thức đối với các ngân hàng. Vì xu hướng lãi suất giảm nên các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất để hút khách mà có thể thêm các giải pháp khác. Tuy nhiên theo TS. Độ, việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn là cần thiết để không tạo mất cân đối thanh khoản và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng trong dài hạn. Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng khuyến nghị, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách siết tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình để đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống.

Nguyễn Vũ – Thời báo NgânHàng

Share this post