Khi quyền tài sản không rõ ràng

Khi quyền tài sản không rõ ràng

Khi quyền tài sản không rõ ràng

Xét cho cùng, công sản thuộc sở hữu của cộng đồng thế hệ đang sống và những thế hệ tương lai

Nhiều tài sản công đang “vô chủ”

Mục tiêu quan trọng của Việt Nam là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Một trong những trụ cột của kinh tế thị trường là quyền tài sản với cả tài sản công và tư. Nhưng ở Việt Nam lâu nay, quyền tài sản với tài sản công chưa đầy đủ và thiếu minh định. Nó khiến cho thị trường bị méo mó, tài sản thất thoát và không được quản lý, sử dụng hiệu quả. Vì vậy, khi quyền tài sản không rõ ràng ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Tài sản

Trên thực tế, quá trình cải cách thể chế kinh tế thị trường 30 năm qua ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc xác lập và bảo vệ quyền tài sản, đặc biệt là tài sản tư nhân. Nhưng với tài sản công, vấn đề có khác.

Theo báo cáo “Từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo phát triển”, được nhóm nghiên cứu Viện Friedrich Naumann do TS. Đinh Tuấn Minh làm trưởng nhóm thực hiện, chương “Xây dựng hệ thống quyền tài sản rõ ràng, minh bạch cho tài sản công” nhìn nhận, đến nay vẫn còn nhiều loại tài sản công chưa được xác định rõ ràng về giá trị và chủ thể quản lý. Nhiều tài sản quan trọng cho đời sống kinh tế nhưng chưa có quyền tài sản rõ ràng, dẫn tới giao dịch thiếu minh bạch, gây méo mó thị trường.

Lợi dụng sự thiếu minh định nên “nhân danh thị trường, nhân danh xã hội hoá, người ta đang tư nhân hóa rất dữ dội những thứ đáng ra thuộc về công cộng”, theo TS. Phạm Duy Nghĩa (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright). Tài sản đó được chỉ rõ là đất đai, tài nguyên, công trình công cộng, cũng như các tài sản do hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và DNNN khai thác, quản lý và sử dụng…

“Các giao dịch và tác động của nhóm tài sản này với nền kinh tế rất lớn, luôn thu hút sự quan tâm và tạo nên những phản ứng đa chiều của xã hội bởi nó có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn về lợi ích, tính phức tạp và thiếu minh bạch của chúng”, ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) nói.

Cần thiết chế đại diện

Quyền tài sản hiện nay bao gồm 3 nhóm quyền theo 3 cấp độ: quyền sử dụng, quyền sở hữu và quyền định đoạt (quyền chuyển sở hữu tài sản). Như vậy, quyền tài sản xuất phát từ quyền sở hữu, nhưng một chủ thể có thể có quyền tài sản mà không nhất thiết phải là chủ sở hữu tài sản đó (trường hợp thuê, được giao sử dụng và quản lý…). Theo thông lệ quốc tế, tài sản công thuộc sở hữu công và quyền tài sản phải được phân bổ theo nguyên tắc thị trường.

Nhóm nghiên cứu của TS. Đinh Tuấn Minh nói rõ thêm, quyền tài sản phải được phân bổ quyền sử dụng và quản lý cho mọi chủ thể, mọi cá nhân trong xã hội, với nguyên tắc tài sản phải được phân bổ về nơi sử dụng có hiệu quả nhất. Cũng như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI ghi rõ: Mọi tài sản thuộc sở hữu Nhà nước phải được phân bổ cho các thành phần kinh tế theo nguyên tắc thị trường để sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, “tiếc rằng 5 năm qua nguyên tắc này chưa được thể chế hoá…”, ông Trung phát biểu.

Nhưng quan trọng nhất là, tài sản công phải được định giá, đánh giá và phân bổ theo nguyên tắc thị trường, vì nếu không thực thi như vậy thì không biết được hiệu quả sử dụng đến đâu. “Việt Nam đang chuyển sang kinh tế thị trường. Càng phát triển kinh tế thị trường càng cần một Nhà nước mạnh, với nhiều tài sản và tiền bạc. Nhà nước phải quản lý công sản và quản lý khôn ngoan”, ông Nghĩa nói. Bởi theo ông, xét cho cùng thì tài sản công thuộc về cộng đồng thế hệ đang sống và những thế hệ sẽ sinh ra…

Theo đó, hệ thống quyền tài sản minh bạch và hoàn chỉnh là một trong những điều kiện tiên quyết để vận hành kinh tế thị trường. Quyền tài sản rõ ràng, đầy đủ giúp cho giao dịch tài sản minh bạch hơn, thị trường hơn, tiết kiệm nguồn lực vốn khan hiếm, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế. Trong trường hợp ngược lại, tài sản sẽ rơi vào tình trạng “vô chủ” lãng phí nguồn lực.

“Nhà nước là chủ sở hữu không có nghĩa là Nhà nước thực hiện mọi quyền tài sản. Chẳng hạn quyền quản lý và sử dụng phải được phân bổ cho các tổ chức, cá nhân, với lý do là phân bổ đến nơi hiệu quả nhất” – ông Phạm Đức Trung (CIEM).

 

( trích thoibaonganhang)

 

Share this post