Không bỏ trứng vào một giỏ
Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, chứng khoán liên tục tăng điểm, vàng tăng giá… Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, kỳ vọng sinh lời từ các kênh đầu tư ra sao và nhà đầu tư nên chọn kênh nào? Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi nhanh với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính.
Ông nhận định ra sao về kênh bất động sản và chứng khoán?
Có thể thấy, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bất động sản mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song giá bất động sản chẳng những không giảm mà còn tăng, thị trường cũng lấy lại đà phục hồi từ quý III/2020. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tính đến 20/11/2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh theo từng quý. Năm 2021, nếu các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tiếp tục được đảm bảo và theo xu hướng tích cực, cộng với việc dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, cơ hội để thị trường bất động sản có sự tăng trưởng ở một số phân khúc là có. Song các nhà đầu tư trước khi quyết định rót vốn vẫn nên có sự thận trọng nhất định vì bất động sản thường chỉ dành cho những nhà đầu tư có vốn lớn, có sự am hiểu thị trường để tránh rủi ro.
Đối với chứng khoán cũng cho thấy sự khác biệt trong năm 2020. Từ mức đáy 650 điểm khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam ở thời điểm cuối tháng 3/2020, VN-Index đã có sự bứt phá vượt 1.000 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2020. Thị trường tiếp tục tăng điểm trong những phiên đầu năm nên việc có thể sớm tăng lên mức đỉnh lịch sử quanh 1.210 điểm là hoàn toàn có thể. Những nhà đầu tư mua cổ phiếu thời điểm cuối tháng 3/2020 thì đến bây giờ là khá lời. Đương nhiên, đầu tư chứng khoán phụ thuộc vào từng mã cổ phiếu cũng như yêu cầu của thị trường, nhưng rõ ràng, về cơ bản chứng khoán là kênh tăng trưởng tương đối mạnh. Với riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua ghi nhận mức tăng tương đối tốt, điều này cũng phản ánh sức khoẻ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên thị trường năm 2021 sẽ khó tránh những đợt điều chỉnh, bởi vậy nhà đầu tư phải có sự phân tích dòng tiền để lựa chọn cổ phiếu tốt ở thời điểm phù hợp. Phía cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có sự theo dõi, phân tích để điều chỉnh thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán khi cần thiết, tránh tác động không tốt đến nền kinh tế trong năm 2021.
Bên cạnh đó, đối với trái phiếu doanh nghiệp – kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao, nhưng cũng nên thận trọng do khó xác định về mức độ minh bạch.
Thưa ông, còn vàng thì sao?
Giá vàng đang rất biến động. Sau khi tăng giá mạnh, thì ngay sáng 7/1/2021, vàng trong nước đảo chiều giảm mạnh 500 nghìn đồng/lượng dù thị trường thế giới có sự phục hồi. Nếu nhìn về dự báo trong ngắn hạn, có thể vàng sẽ tiếp tục đà tăng do sự bất ổn trên thế giới, cộng thêm sự suy giảm của USD. Tuy nhiên sau đó nhiều khả năng sẽ giảm giá ở nửa cuối quý I và đầu quý II/2021, khi các nền kinh tế trên thế giới đang dần có sự thích ứng với đại dịch Covid-19. Kể cả với một số quốc gia đang có lệnh tái phong toả, nhưng cũng không thể duy trì đóng cửa nền kinh tế trong một thời gian quá dài mà vẫn phải duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Ngân hàng Thế giới dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021 sau khi sụt giảm 4,3% ở năm 2020; còn IMF dự báo tăng trưởng năm 2021 là mức 5,2%… Có những dự đoán cao, thấp nhưng về cơ bản theo tôi kinh tế thế giới sẽ có sự tăng trưởng, kéo theo đồng tiền đầu tư sẽ chảy nhiều vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vậy kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm vẫn có ưu thế?
Nhìn vào thị trường thời điểm này, hiện lãi suất tiết kiệm của các nhà băng tương đối thấp. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa mức lãi suất hiện nay vẫn dương so với tỷ lệ lạm phát. Hơn nữa gửi tiết kiệm lâu nay vẫn là kênh an toàn nhất, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến khó lường của Covid-19. Đây cũng là kênh đầu tư phổ biến cho mọi đối tượng khách hàng, nhất là những khách hàng cá nhân không có quá nhiều hiểu biết về các kênh đầu tư khác. Cũng cần phải nói thêm rằng, dù lãi suất gửi tiết kiệm thấp, nhưng giữ VND vẫn có lợi hơn so với USD trong bối cảnh năm 2021 do tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định. Ngay trong phiên đầu năm mới, đồng USD trên thị trường quốc tế giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm rưỡi và được dự báo còn giảm tiếp trong năm 2021 do kỳ vọng chính quyền tân Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra thêm các gói cứu trợ để hồi phục nền kinh tế Mỹ.
Vậy ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư trong năm nay?
Nhu cầu đầu tư của mỗi nhà đầu tư là không giống nhau, chính vì thế trước khi có quyết định rót vốn vào kênh nào, bản thân nhà đầu tư phải xác định được nguồn tiền nhàn rỗi của mình cả trong ngắn, trung và dài hạn. Dựa trên những kiến thức, hiểu biết, tìm hiểu về từng kênh đầu tư để lựa chọn kênh đầu tư phù hợp và hiệu quả nhất. Năm 2021 nền kinh tế toàn cầu chắc chắn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của Covid-19, những biến động khó lường theo đó cũng rất khó để đoán định và đưa ra những kịch bản chính xác nhất. Nên tôi cho rằng sự thận trọng của các nhà đầu tư trong năm nay có lẽ phải tăng thêm một chút và phương châm lâu nay vẫn nói nhưng có lẽ chưa bao giờ cũ, đó là “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Minh Khôi – Thời báo ngân hàng