Không có dữ liệu, khó phát triển ngân hàng số
Nhiều chuyên gia cho rằng, dữ liệu sẽ giúp ngân hàng tăng tốc nhanh hơn trong hành trình số hoá, hấp dẫn khách hàng hơn, khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh cũng lớn hơn nhiều lần…
Cùng với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên giá trị nhất trong kỷ nguyên mới. Bản thân lãnh đạo của nhiều NHTM ngày càng có ý thức rõ ràng hơn đối với vai trò của quản trị dữ liệu trong việc thiết lập nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong chuyển đổi số. Đi cùng với đó là triển khai các giải pháp công nghệ nhằm thực hiện việc quản lý dữ liệu hiệu quả hơn, hay ứng dụng các kỹ thuật mới trong mô hình lượng hoá rủi ro.
TS. Chử Bá Quyết (Đại học Thương mại) cho rằng, dữ liệu là một trong những tài sản quan trọng khi đưa ra các quyết định năng động, dựa trên khối lượng lớn thông tin có sẵn cho các tổ chức. Các công nghệ như dữ liệu lớn cho phép các ngân hàng đưa ra quyết định hoặc cải tiến quy trình dựa trên dữ liệu có sẵn cho khách hàng của họ. Đây là căn cứ quan trọng giúp các ngân hàng có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế theo các chuẩn mực, hướng dẫn được khuyến nghị bởi Uỷ ban Basel về Giám sát ngân hàng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dữ liệu sẽ giúp ngân hàng tăng tốc nhanh hơn trong hành trình số hoá, hấp dẫn khách hàng hơn, khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh cũng lớn hơn nhiều lần… Song để có được kho dữ liệu đồ sộ đã là một cái khó, việc sử dụng khai thác sao cho hiệu quả lại càng khó hơn, không chỉ đơn thuần nằm ở ứng dụng công nghệ, mà hơn hết là cách thức quản lý và khai thác nguồn tài nguyên này.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng có sự đầu tư tương đối lớn về dữ liệu nhưng vẫn gặp phải thách thức khi dữ liệu chưa đủ sạch, chưa đồng nhất, và quan trọng nhất là còn hạn chế trong việc kết nối liên thông. Nếu không có chiến lược dữ liệu nhất quán, xuyên suốt thì ngân hàng không thể có động lực từ dữ liệu để tiến tới thay đổi quy trình kinh doanh. “Lập mô hình dữ liệu về hành vi khách hàng, thiết kế trải nghiệm, hỗ trợ thu hút và giữ chân khách hàng là những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển nguồn doanh thu cho ngân hàng hiện đại. Thu thập và xử lý dữ liệu của khách hàng cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân để đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro rò rỉ, lộ lọt dữ liệu tài chính”, TS. Quyết cho hay.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận, mỗi ngân hàng cần phải sớm xây dựng được văn hoá quản trị dữ liệu, có sự chủ động và có chiến lược bài bản trong quản trị dữ liệu, thông qua thiết lập hệ thống kho dữ liệu chuyên biệt, ban hành các chính sách cũng như quy trình quản lý và khai thác dữ liệu; phân cấp quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu; tăng chất lượng nhân sự CNTT…
Dưới góc độ ngân hàng, theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, việc phân tích và quản lý dữ liệu được xem như một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển của TPBank để trở thành tổ chức quản trị trên dữ liệu. Một số dự án thu thập, chuẩn hoá, làm giàu và khai thác dữ liệu được ngân hàng triển khai để phục vụ mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số. Từ kho dữ liệu ngân hàng có thể đưa ra những phân tích, dự báo chính xác hơn nhằm sáng tạo ra các sản phẩm để gia tăng năng lực cạnh tranh, quyết định phù hợp với chiến lược kinh doanh đã hoạch định.
Lãnh đạo một NHTM cũng nhấn mạnh việc cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo với khoa học dữ liệu để thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình linh hoạt hơn như ngân hàng số (digital banking), ngân hàng nền tảng (platform banking), ngân hàng như một dịch vụ (banking as a service)… Tận dụng được sức mạnh của dữ liệu chắc chắn sẽ là bước tạo đà rất tốt để vượt trội hơn so với các tổ chức truyền thống.
Liên quan đến việc liên thông dữ liệu, chuyên gia cho rằng, dữ liệu được kết nối, không cát cứ, chia sẻ thống nhất sẽ nâng cao hiệu quả quản lý hơn rất nhiều. Riêng với ngành Ngân hàng, việc được kết nối dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hỗ trợ rất lớn giúp các ngân hàng xác thực đúng khách hàng thông qua eKYC, đảm bảo cho các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm, thuận tiện và đặc biệt an toàn, thay vì như hiện nay, các ngân hàng vẫn phải có bộ phận hậu kiểm để “check” lại toàn bộ thông tin thu thập được từ dữ liệu điện tử.
Mới đây, Thống đốc NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai và công bố danh mục dữ liệu chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định của NHNN. Đây tiếp tục là một động thái của NHNN trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; tạo lập nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng Chính phủ số tại NHNN… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cũng nhấn mạnh nội dung tập trung triển khai kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu đối với ngành hải quan, thuế, ngân hàng để đảm bảo cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều, tiết giảm chi phí…
Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng