Mobile Money: Thúc đẩy tiêu dùng không tiền mặt?

Mobile Money: Thúc đẩy tiêu dùng không tiền mặt?

Cuối năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông được NHNN cấp phép thí điểm cung cấp dịch vụ tiền di động (Mobile Money) đã chính thức đưa dịch vụ đến người tiêu dùng. Theo giới quan sát, sự kiện này trở thành “ngòi nổ” thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn được kích hoạt.

Nhà mạng hăng hái nhập cuộc

Thời điểm tháng 11/2021, Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên chính thức triển khai dịch vụ Mobile Money trên địa bàn cả nước sau khi được cấp phép triển khai thí điểm theo Quyết định 316/QĐ-TTg năm 2021 của Chính phủ.

Ông Ngô Diên Hy – Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, hiện nhà mạng này sở hữu hơn 10.000 điểm giao dịch chính thức, gần 10.000 điểm giao dịch ủy quyền và hơn 200.000 điểm kinh doanh liên kết, phủ rộng khắp 63 tỉnh thành. Vì thế, việc triển khai Mobile Money của VNPT là vô cùng thuận lợi do các điểm nạp rút tiền vào tài khoản viễn thông có mặt ở hầu hết các khu vực từ nông thôn đến thành thị tại tất cả mọi miền đất nước.

Để thu hút người dùng, ngay khi ra mắt dịch vụ Mobile Money, VNPT đã triển khai một loạt ưu đãi khuyến mại lớn như: Trong suốt tháng 12/2021 khách hàng đăng ký dịch vụ tiền di động của VNPT sẽ được hoàn tiền 10% giá trị thẻ nạp VinaPhone; hoàn tiền 20% giá trị hóa đơn khi thanh toán các dịch vụ: học phí SSC, học phí vnEdu, học phí VinaID, nạp thẻ VinaID. Đặc biệt, đối với các khách hàng thuộc danh sách nhận tin khuyến mại, khi thanh toán hóa đơn dịch vụ VNPT (internet cố định, di động trả sau VinaPhone, MyTV…) sẽ được ưu đãi 50% khi thanh toán bằng tài khoản VNPT Pay – Mobile Money…

Sau VNPT, đầu tháng 12/2021, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đã nhập cuộc ra mắt ứng dụng tài chính số Viettel Money. Theo đó, tất cả các khách hàng đã đăng ký thông tin thuê bao chính chủ và sử dụng dịch vụ viễn thông Viettel liên tục trong ít nhất ba tháng liền kề đều có thể sử dụng Viettel Money mà không cần có tài khoản ngân hàng.

Ghi nhận đến thời điểm ra mắt dịch vụ Viettel Money, nhà mạng này sở hữu khoảng 70 triệu thuê bao di động trên khắp cả nước. Trước khi ra mắt ứng dụng tài chính này, Viettel đã đầu tư khá mạnh cho mảng thanh toán di động, bao gồm đầu tư hạ tầng công nghệ, mạng lưới kênh đại lý phân phối, ủy quyền và tập hợp dữ liệu khách hàng thông qua ví điện tử ViettelPay. Vì thế, theo ông Phạm Trung Kiên – Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, khá tự tin kỳ vọng rằng dịch vụ Viettel Money sẽ có thể tiếp cận hàng trăm dịch vụ thanh toán tiện ích cho khách hàng như: thanh toán hóa đơn, học phí, mua vé máy bay, chuyển tiền và mua sắm trực tuyến. “Ở bất kỳ đâu có sóng di động của Viettel, ngay cả khi không có kết nối Internet, khách hàng đều có thể sử dụng Viettel Money thông qua smartphone hoặc điện thoại di động thông thường (feature phone)”, ông Kiên cho biết.

Tân binh thúc đẩy thanh toán trực tuyến

Như vậy trong số ba nhà mạng được NHNN cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, thì đến cuối năm 2021, VNPT và Viettel đã chính thức khởi động hỗ trợ khách hàng đăng ký, sử dụng Mobile Money. Nhà mạng MobileFone hiện cũng đã ráo riết nhập cuộc với các hoạt động hoàn thiện hệ sinh thái kết nối dữ liệu khách hàng và phát triển các điểm chấp nhận thanh toán, điểm nạp rút để cạnh tranh trên thị phần thanh toán bằng tài khoản di động.

Đánh giá về việc cùng lúc cả ba nhà mạng viễn thông lớn đều tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money, TS. Đoàn Bảo Huy, Khoa Tài chính – Đại học RMIT cho rằng, tác động tích cực nhất mà dịch vụ Mobile Money mang lại là làm gia tăng nhanh chóng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa và các khu vực nông thôn – nơi mà các dịch vụ tài chính của ngân hàng và fintech chưa vươn tới.

Tác động tích cực nhất mà dịch vụ Mobile Money mang lại là làm gia tăng nhanh chóng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt

Theo ông Huy, khi các nhà mạng tích hợp Mobile Money vào thanh toán các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì cơ hội tiếp cận và chọn lựa hình thức thanh toán trực tuyến các dịch vụ công của người dân các địa phương cũng sẽ được mở rộng. Tuy nhiên, do đây là dịch vụ tài chính chỉ giới hạn ở góc độ thanh toán giá trị nhỏ nên “ngay cả khi cả ba nhà mạng cùng tham gia cung cấp dịch vụ Moblie Money thì cơ bản thị trường thanh toán không dùng tiền mặt cũng chỉ ghi nhận là có thêm những “tân binh” nối dài cung cấp các hình thức thanh toán trực tuyến chứ thị phần thanh toán Mobile Banking của các ngân hàng và các ví điện tử vẫn sẽ ổn định và có nhiều dư địa để phát triển” – ông Huy nhận định.

Vẫn cần thận trọng

Theo các quyết định của NHNN, hoạt động triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money sẽ diễn ra trong vòng hai năm kể từ khi doanh nghiệp viễn thông đầu tiên được cấp phép thí điểm. Như vậy, việc thí điểm dịch vụ tài chính này sẽ kéo dài đến tháng 11/2023, sau đó sẽ được tổng kết, đánh giá và đưa ra những chính sách quản lý, điều chỉnh phù hợp.

Từ phía các doanh nghiệp viễn thông, ghi nhận chỉ sau vài tuần triển khai Mobile Money, hầu hết các nhà mạng như VNPT, Viettel đều nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng. Các nhà mạng đến hiện tại đều đã hoàn thiện các website và app Mobile Money trên điện thoại di động, đồng thời đẩy mạnh các hình thức giới thiệu, khuyến mãi thu hút người dùng. Hầu hết doanh nghiệp viễn thông đều kỳ vọng và tin tưởng rằng khi triển khai rộng khắp dịch vụ Mobile Money thì vùng phủ của thanh toán điện tử sẽ nhanh chóng đến được với 100% người dân. Từ đó, thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển mạnh các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp và thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một số chuyên gia lĩnh vực thanh toán cho rằng, hạn mức thanh toán Mobile Money được giới hạn ở mức 10 triệu đồng/tháng là khá thấp so với nhu cầu chi dùng của người dân trong bối cảnh hiện tại. Bên cạnh đó, việc các tài khoản Mobile Money chưa thể chuyển tiền liên thông với nhau cũng sẽ hạn chế phần nào mở rộng mạng lưới phủ sóng Mobile Money.

Tuy nhiên, trong chừng mực của giai đoạn thí điểm, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc đưa ra một lộ trình thận trọng, từng bước một là cần thiết.Vì dù hiện nay trên thế giới đã có khoảng gần 100 quốc gia triển khai Mobile Money với những mức độ, hình thức, chính sách khác nhau, nhưng tại Việt Nam cơ bản dịch vụ tài chính này vẫn là một dịch vụ mới, áp dụng cho các doanh nghiệp không phải TCTD, cần có thời gian để thử nghiệm và đánh giá cụ thể, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành để quản lý hiệu quả và hạn chế những phát sinh sai phạm đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến hoạt động an ninh, an toàn trong thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Phân biệt Mobile Money và Ví điện tử

Cùng tiếp cận khách hàng ở góc độ cung cấp dịch vụ thanh toán cho các chi tiêu hàng ngày, song ví điện tử và Mobile Money hoàn toàn khác nhau. Ví điện tử là một tài khoản điện tử được tích hợp vào ứng dụng điện thoại, giúp người dùng thanh toán tại các điểm chấp nhận (online và offline). Bất kỳ ai có tài khoản ngân hàng (liên kết với ví điện tử) và điện thoại smartphone đều có thể sử dụng và giao dịch bằng ví điện tử. Hạn mức giao dịch của các ví điện tử hiện nay là 100 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, Mobile Money là tài khoản điện tử được mở dựa trên thuê bao di động, cũng dành cho thanh toán hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ. Người dân không cần phải có tài khoản ngân hàng cũng có thể đăng ký và sử dụng với điều kiện sử dụng SIM chính chủ. Mobile Money cho phép khách hàng sử dụng các dịch vụ: thanh toán, rút tiền mặt, chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money trong cùng hệ thống (của đơn vị cung cấp dịch vụ); chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money với tài khoản ngân hàng; giữa tài khoản Mobile Money với Ví điện tử. Theo quy định mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Hạn mức giao dịch của tài khoản Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng.

Nguồn: Thạch Bình – Thời báo ngân hàng

Share this post