Không “phanh gấp” tín dụng
Không “phanh gấp” tín dụng
Chuyên gia NH cho rằng, việc NHNN siết dòng tín dụng vào BĐS ở thời điểm này là hợp lý, và sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới việc đạt chỉ tiêu tín dụng đề ra trong năm 2016.
NHNN đang lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 36/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài. Trong dự thảo thông tư sửa đổi này có nhiều quy định mới, đáng chú ý như giảm trần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ của các NHTM 60% xuống còn 40%; nâng hệ số rủi ro về các khoản phải đòi BĐS từ 150% lên 250%.
Bên cạnh đó, thông tin từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, các NHTM tham gia giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã cam kết cho vay với tổng số tiền 26.999 tỷ đồng (đạt 90%), đã giải ngân 17.711 tỷ đồng (đạt 59%).
Theo kế hoạch, tới ngày 1/6/2016, gói vay 30.000 tỷ đồng sẽ hết hạn giải ngân. Gói tín dụng này tuy chỉ là vốn mồi ban đầu khi thị trường BĐS đóng băng, nhưng nay nếu các NHTM dừng triển khai, cộng thêm chủ ý của NHNN trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 khiến dư luận băn khoăn: Tín dụng BĐS sẽ bị siết? Và điều này sẽ khiến đà tăng của tín dụng giảm?
Thực tế thời gian qua, BĐS có dấu hiệu phục hồi sau một giai đoạn khá dài “đóng băng” chủ yếu nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía ngành NH. Nhưng cũng phải nhắc lại, gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng cũng như các chính sách “nới” tín dụng BĐS là tạo điều kiện cho người có nhu cầu thực về nhà ở có thể vay vốn NH để “an cư lạc nghiệp“. Tín dụng BĐS tăng, cũng góp phần cho tín dụng lấy lại đà, nhưng hiện tỷ lệ tín dụng cho lĩnh vực này không cao, vẫn ở mức dưới 10%.
Rõ ràng, các NHTM chưa thể quên bài học rủi ro từ bong bóng BĐS. Chính vì thế, cho vay BĐS dù có mức lãi suất cao hơn nhưng các NHTM vẫn lấy an toàn làm trọng, nhất là trong bối cảnh NHNN luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát rủi ro, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3%…
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia NH cho rằng, việc NHNN siết dòng tín dụng vào BĐS ở thời điểm này là hợp lý, và sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới việc đạt chỉ tiêu tín dụng đề ra trong năm 2016. Vị này cũng lý giải thêm, đây là động thái cần thiết của NHNN để điều tiết lại tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
“Trước khi thị trường có dấu hiệu “ngựa quen đường cũ”, thì cơ quan quản lý phải có biện pháp khẩn trương để hạn chế thấp nhất tình huống rơi vào tình trạng bong bóng khó kiểm soát như trước đây.
Siết tín dụng BĐS, khả năng cao là NH sẽ hạn chế cho vay các dự án BĐS mới. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra là các dự án BĐS mới trong năm 2016 sẽ rất khó vay vốn NH. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tín dụng BĐS là lĩnh vực rủi ro. Nhưng độ rủi ro không nằm ở bản thân tài sản BĐS, mà nằm ở sự kiểm soát từ phía NH.
“Tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra, không cứ gì chỉ vì thu hẹp van với tín dụng BĐS mà không thể tăng trưởng, bởi BĐS chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực mà NH giải ngân cho vay”, Tổng giám đốc một NHTM khẳng định.
Còn về chuyện lãi suất: hiện lãi suất huy động của một số NHTM tiếp tục tăng, cộng với chủ trương siết tín dụng BĐS sẽ khiến lãi suất cho vay trong lĩnh vực này tăng.
Đây là chuyện tất yếu nhưng nếu cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng thì chưa hẳn. Bởi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi muốn điều chỉnh lãi suất các NHTM sẽ phải nghe ngóng theo cung – cầu thị trường, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào lãi suất huy động.
Nhất là, trong Chỉ thị 01/CT – NHNN Thống đốc đã yêu cầu giữ ổn định lãi suất. Vì vậy, nếu lãi suất cho vay tăng, sẽ là đối với cho vay trung, dài hạn. Và mức tăng cũng không nhiều khi áp lực từ lạm phát tăng chưa xuất hiện.
Theo Chỉ thị số 01/CT – NHNN về các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động NH năm 2016, định hướng của NHNN là tăng trưởng tín dụng cả năm vào khoảng 18 – 20%.
Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu NH tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng thúc đẩy sản xuất – kinh doanh có hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Như vậy chủ trương của NHNN vẫn là hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Và cùng với việc yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tín dụng sẽ vẫn được kiểm soát cả về lượng và chất.
( trích thoibaonganhang)