Ngành ngân hàng – Chính sách tiền tệ, “ngày cũ của tương lai”

Ngành ngân hàng – Chính sách tiền tệ, “ngày cũ của tương lai”

Chính sách tiền tệ, “ngày cũ của tương lai”

Nhìn về phía trước, chính sách tiền tệ đã chuẩn bị được gì đáng quan tâm hơn là đã làm được gì..                                 Chính sách tiền tệ ngày cũ của tương laiSáng 21/1/2016, khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày xác định: cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu tiếp tục là một trong những mục tiêu phải phấn đấu quyết liệt hơn trong 5 năm tới.
Từ nửa cuối 2015, một loạt các hội thảo, tọa đàm đã tập trung nhìn lại việc điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015. Nhưng tiếc rằng, có ít diễn đàn tương tự hướng về 5 năm tới.

Khó đoán định chính xác, nhất là trong môi trường quốc tế ngày càng biến động khó lường. Nhưng, nếu “ngày cũ” của chính sách tiền tệ đã được chủ động chuẩn bị, thì có thể hướng về một tương lai thuận lợi hơn.

Dứt khoát chuyển đổi

Cuối 2015, Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động USD về 0%/năm. Một số bình luận xem nhà điều hành đã phải dùng nốt phần dư địa còn lại, trong mối quan hệ giữa lãi suất với tỷ giá.

Con số thường có ý nghĩa. Nhưng trong sự kiện trên, tính chất của quyết định có ý nghĩa hơn là việc dùng 0,25%/năm còn lại. Sau cả chục năm chuẩn bị, quan hệ huy động – cho vay ngoại tệ mới bắt đầu có sự chuyển đổi dứt khoát sang quan hệ mua – bán.

Trước đó, từ năm 2012, một lát cắt lịch sử khác cũng đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện: từng bước cắt bỏ quan hệ huy động – cho vay vàng.

Hai lát cắt này được nhà điều hành lý giải tương đối chung chung: chống vàng hóa và đôla hóa trong nền kinh tế. Song, thực tế và cụ thể hơn, đây là hai lát cắt cực lớn, có ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống ngân hàng, mà mở rộng liên quan là cả nền kinh tế.

Hàng chục tỷ USD quy đổi từ vốn vàng và ngoại tệ liên quan đến hai lát cắt đó. Nhưng những gì diễn ra cho thấy, hệ thống vẫn ổn định, sắc diện về thanh khoản và lãi suất vẫn ổn dù vốn kê từ vàng và ngoại tệ trong cơ cấu huy động từng rất lớn; thậm chí tín dụng vẫn tăng trưởng mạnh và tập trung lớn cho cả yêu cầu cân đối ngân sách qua kênh trái phiếu Chính phủ.

Đây là hai lát cắt đáng chú ý nhất, cùng với lát cắt ở khía cạnh khác là sở hữu chéo, đã chuẩn bị cho hệ thống ngân hàng bước vào tương lai 5 năm tới với đôi chân bớt nhiễu động, bớt rủi ro với “vàng – đô”, mà qua đó có thể vững hơn.

Hóa giải áp lực “dư địa”

Như trên, việc hạ trần xuống 0%/năm được xem là dùng nốt dư địa cuối cùng trong quan hệ với tỷ giá, ở chiều lãi suất tiền gửi USD. Nhưng, ngay đầu năm 2016, câu chuyên dư địa trong chính sách tỷ giá nhanh chóng rẽ sang một hướng khác.

Nhà điều hành bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm. Vẫn còn những ý kiến, quan điểm khác nhau. Song, điểm chung được khẳng định: Ngân hàng Nhà nước đã đặt bước chân đầu tiên trong lộ trình tiến tới thả nổi tỷ giá có kiểm soát, tôn trọng thị trường hơn, cũng như hóa giải áp lực dư địa chính sách theo các mệnh lệch hành chính, hay theo ý chí chủ quan nào đó.

Quan trọng hơn, cơ chế tỷ giá mới là sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai – được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn, khó lường hơn, nhất là từ bên ngoài.

Nếu chính sách tỷ giá đã chuẩn bị được hướng mở mới, thì lãi suất đang đứng trước thực tế dư địa để có thể giảm tiếp đã cạn.

Đầu năm nay, trước câu hỏi từ Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã thận trọng: khó giảm tiếp được lãi suất. Tại hội nghị toàn ngành, ông cũng xác định giữ được ổn định mặt bằng hiện nay là mục tiêu khó.

Thực ra dư địa giảm tiếp lãi suất không chỉ phụ thuộc vào riêng Ngân hàng Nhà nước. Chung nhất về quản lý và cân đối vĩ mô là kiểm soát lạm phát. Thêm nữa và trực tiếp hơn là áp lực cân đối ngân sách.

“Ngày cũ” của tương lai lãi suất đã thể hiện rất rõ và căng thẳng từ trong năm 2015. Lãi suất trái phiếu Chính phủ liên tục tăng, Quốc hội buộc phải cho trở lại phát hành kỳ hạn 3 năm, Bộ Tài chính đã phải dùng đến tín phiếu ngắn hạn để đong vốn và cả “vay nóng” Ngân hàng Nhà nước…

Nguồn vốn rất lớn từ hệ thống ngân hàng thương mại nhồi vào hỗ trợ cân đối ngân sách, thay vì tập trung cho vay cá nhân và doanh nghiệp để theo quy luật cung lớn thì lãi suất giảm thêm.

Theo đó, dư địa để giảm tiếp lãi suất trong tương lai còn phụ thuộc lớn vào chính sách tài khóa, bài toán cân đối của Bộ Tài chính, thay vì chỉ riêng việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Mà riêng 2016, hiện đã có kế hoạch phát hành chí ít 220 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.

Khó giảm tiếp, vậy Ngân hàng Nhà nước đã làm gì với chính sách lãi suất để chuẩn bị cho tương lai? Câu trả lời không nằm ở phần trăm sẽ giảm được hay tăng lên.

Nó nằm ở giá trị của một trật tự mới, cơ cấu mới.

Đó là đường cong lãi suất đã thiết lập lại ba năm qua, sự bất ổn của lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài trước đây đã được xóa bỏ.

Đường cong lãi suất đã lái vốn huy động dịch chuyển theo kỳ hạn dài hơn, bền vững hơn, giúp hệ thống quản trị rủi ro chi phí, thanh khoản tốt hơn, và góp phần thúc đẩy tín dụng thuận lợi hơn.

Sự chuyển giao đã khác nhiều

Trở lại với mục tiêu đặt ra tại báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tiếp tục là “ngày cũ của tương lai” chính sách tiền tệ 5 năm tới.

Sau ba năm kể từ khi chính thức nhận diện, tỷ lệ nợ xấu từ trên 17% đã giảm xuống dưới 3%, không còn tình trạng hai con số với độ vênh quá lớn trước đó (tổ chức tín dụng báo cáo thấp, cơ quan giám sát xác định cao). “Ngày cũ” cho tương lai xử lý nợ xấu đã bớt nóng bỏng.

Sự chuyển giao cho 5 năm tới được chú ý ở việc xử lý qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Từ 2016, công ty này xác định bắt đầu chuyển sang tập trung xử lý nợ xấu, thay vì tập trung mua lại trước đó.

Ở hướng khác, chiếm phần lớn khối lượng nợ xấu được xử lý ba năm qua là từ nguồn lực tự xử của các ngân hàng thương mại. Ở đây, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động chuẩn bị từ trước, cũng như chuẩn bị cho tương lai những năm tới.

Từ 2012, lần đầu tiên hệ thống ngân hàng bị siết lại việc nâng lương thưởng, trả cổ tức. Ngân hàng Nhà nước quy định, phải làm rõ nợ xấu, trích lập dự phòng đầy đủ mới được xét đến chi. Từ 2015, chỉ tiêu cổ tức thậm chí bị giới hạn tới từng thành viên và dự kiến vẫn tiếp tục năm 2016. Nguồn lực theo đó được dồn lại, trích lập đẩy đủ hơn, dùng xử lý nợ xấu và đệm cho tương lai bớt xóc nảy.

Song song với xử lý nợ xấu, sự chuẩn bị có giá trị lâu dài hơn cho tương lai là một bộ khung hoạt động của các ngân hàng cơ bản được ráp mới: Thông tư 02/09 về phân loại nợ và trích lập dự phòng, Thông tư 36 và tiến tới Basel 2 về tiêu chuẩn an toàn hoạt động.

Cùng đó, quá trình tái cơ cấu đã khoanh vùng, xử lý cơ bản những điểm yếu kém, rủi ro nhất trong hệ thống, qua nhiều trường hợp sáp nhập, hợp nhất và cả giải pháp “ngân hàng 0 đồng”. Các chỉ báo sức khỏe hệ thống, theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước tính đến 31/12/2015 đều đã cải thiện hơn nhiều so với cuối 2011.

Với những chuẩn bị trên, cả về cơ chế và cơ sở điều hành chính sách, về thể trạng hệ thống các ngân hàng thương mại, tương lai 2016-2020 nhận được sự chuyển giao dường như đã khác nhiều so với “ngày cũ” của giai đoạn 2011-2015.

( trích thoibaonganhang)

Share this post