Lai Châu: Dư nợ tín dụng tăng 4,11% trong 6 tháng đầu năm
Lai Châu: Dư nợ tín dụng tăng 4,11% trong 6 tháng đầu năm
Con số trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của NHNN Lai Châu dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Minh Huệ – Giám đốc NHNN chi nhánh.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2016 ngành ngân hàng Lai Châu bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện tốt hoạt động ngân hàng trên địa bàn và đã đạt một số kết quả quan trọng.
Cụ thể, dự ước đến cuối tháng 6/2016, nguồn vốn đạt 16.041 tỷ đồng, tăng 4,85% so với cuối năm 2015, tăng 17,03% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay đạt 15.373 tỷ đồng, tăng 4,11% so với cuối năm 2015, tăng 16,42% so với cùng kỳ năm trước, cơ cấu tín dụng tiếp tục được đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, nông thôn (chiếm 54%/dư nợ Khối NHTM), cho vay các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh (chiếm 50,1%/tổng dư nợ); tỷ lệ nợ xấu khối NHTM chiếm 1,71%/dư nợ khối.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng Lai Châu tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối Nngân hàng – doanh nghiệp; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ; thực hiện tốt công tác thu chi tiền mặt; công tác thanh tra, giám sát các Tổ chức tín dụng được tăng cường; hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán KDTM trên địa bàn nói riêng được quan tâm, chú trọng và đẩy mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đoàn Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Ngân hàng Lai Châu tiếp tục chủ động bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch của tỉnh, tích cực chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai cơ chế chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực tiềm năng nhất là một số công trình dự án lớn đã được phê duyệt tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lai Châu vào cuối tháng 4/2016; cho vay nông nghiệp, nông thôn; phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát sau vay, phối hợp với các ban ngành của tỉnh trong xử lý nợ xấu; triển khai các biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống lưu hành tiền giả; tham mưu cho ngành, cho tỉnh mở rộng mạng lưới ngân hàng; thực hiện tốt chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng; tiếp tục đổi mới quy trình cho vay, cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực ngân hàng…
( thoibaonganhang)