Ngân hàng không được cho vay mới để thu hồi nợ cũ

Ngân hàng không được cho vay mới để thu hồi nợ cũ

Ngân hàng không được cho vay mới để thu hồi nợ cũ

Ngân hàng

Ngân hàng Chính sách xã hội nghiêm cấm việc cho vay món mới để thu hồi nợ món vay cũ. Tuy nhiên trách nhiệm của người vay là phải chấp hành nghĩa vụ trả nợ, trả lãi đúng quy định của những món vay trước (nếu có).

Theo phản ánh trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, gia đình bà Trần Kim Ngoạ (tỉnh Đồng Tháp) vay vốn theo chương trình tín dụng học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh huyện Hồng Ngự để cho người con lớn đi học. Hiện người con này chưa có việc làm, nhưng gia đình vẫn trả lãi khoản vay đầy đủ.

Vừa qua, gia đình tiếp tục vay vốn cho người con thứ hai đi học. Khi bà Ngọa đến Ngân hàng nhận tiền thì được cho biết, phải trừ tiền nợ gốc khoản vay của người con lớn thì gia đình mới được cho vay. Bà Ngọa hỏi, Ngân hàng giải quyết như vậy có đúng quy định không?

Một trường hợp khác là gia đình ông Trần Văn Tâm cũng vay vốn Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ năm 2012 và thực hiện trả lãi vay hàng tháng. Tuy nhiên, khi trả một phần nợ gốc, Ngân hàng yêu cầu gia đình phải thanh toán cả tiền lãi vay. Ông Tâm đề nghị giải đáp về cách tính và thu tiền lãi đối với khoản vay theo chương trình này?

Về hai vấn đề này, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã có trả lời như sau:

Về cách tính lãi tiền vay, lãi tiền vay được tính kể từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc. Trong thời gian học sinh, sinh viên đang học tại trường (thời gian ân hạn) thì chưa bắt buộc người vay nộp lãi, nhưng người vay có thể thoả thuận với Ngân hàng để nộp lãi theo định kỳ hàng tháng. Khi kết thúc khoá học tối đa không quá 12 tháng thì phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi theo định kỳ hàng tháng (gồm tiền lãi phát sinh hàng tháng và tiền lãi trong thời gian học tại trường (thời gian ân hạn) được phân bổ đều theo số tháng còn lại của thời gian trả nợ).

Lãi suất cho vay thực hiện theo quy định của Chính phủ từng thời kỳ. Khoản vay nhận tiền vào thời điểm nào được tính lãi suất hiện hành tại thời điểm đó (Ví dụ: Từ ngày 1/10/2007 lãi suất 0,5%/tháng; từ ngày 6/6/2014 lãi suất cho vay là 0,6%/tháng; từ ngày 5/6/2015 lãi suất cho vay là 0,55%/tháng…).

Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Phương pháp tính lãi tính theo số dư nợ gốc thực tế còn nợ của hộ vay.

Về chính sách trả nợ, khi giải ngân số tiền cho vay của kỳ học cuối cùng, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay cùng người vay thoả thuận việc định kỳ hạn trả nợ của toàn bộ số tiền cho vay.

Người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay đầu tiên khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học.

Số tiền vay được phân kỳ trả nợ tối đa 6 tháng một lần, phù hợp với khả năng trả nợ của người vay do Ngân hàng và người vay thoả thuận ghi vào sổ vay vốn.

Trường hợp hộ gia đình có nhiều học sinh, sinh viên thì thời hạn trả nợ được tính theo thời gian ra trường của từng học sinh, sinh viên.

Trường hợp trả nợ gốc trước thời hạn theo quy định được hưởng chính sách khuyến khích trả nợ trước hạn được tính như sau:

Số tiền lãi được giảm = Số tiền gốc trả nợ trước hạn x Số ngày trả nợ trước hạn x Lãi suất cho vay (%/tháng) / 30 ngày x 50%

Về gia hạn nợ: Đến thời điểm trả nợ cuối cùng, nếu người vay có khó khăn khách quan chưa trả được nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ. Thời gian cho gia hạn nợ, tuỳ từng trường hợp cụ thể, Ngân hàng có thể gia hạn nợ một hoặc nhiều lần cho một khoản vay, nhưng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định nghiêm cấm việc cho vay món mới để thu hồi nợ món vay cũ. Tuy nhiên trách nhiệm của người vay phải chấp hành nghĩa vụ trả nợ, trả lãi đúng quy định của những món vay trước (nếu có).

( theo trithuctre)

Share this post