Lãi suất giảm để kích cầu tiêu dùng

Lãi suất giảm để kích cầu tiêu dùng

Ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để kích cầu tín dụng cuối năm, trong đó có việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người tiêu dùng trực tiếp.

Vẫn đảm bảo thực hiện đúng tiêu chí siết chặt các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, song phần lớn ngân hàng đều đang nới việc cho vay tiêu dùng hỗ trợ khách hàng trực tiếp. Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng, các điều kiện và điều khoản vay vốn ở hình thức này càng về cuối năm dự kiến sẽ “nới lỏng” hơn với các khoản vay cho sản xuất, kinh doanh và vay qua thẻ tín dụng trong những tháng cuối năm 2020.

Đây là tín hiệu tích cực đối với người vay tiêu dùng trực tiếp. Bởi từ trước đến nay, phần lớn trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính dù nói rằng, đã đẩy mạnh mọi hình thức cho vay ra thị trường, song với mức lãi suất tín dụng tiêu dùng cao cũng là rào cản cho người vay. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thu nhập giảm, nhiều người mất việc làm, thì việc vay vốn để tiêu dùng càng hạn chế, đó là chưa kể đến việc có nguy cơ mất khả năng trả các khoản nợ cũ đã vay tiêu dùng trước đó.

Lãnh đạo các công ty tài chính cũng thừa nhận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã hoạt động cho vay tiêu dùng chững lại trong nửa đầu năm nay. Mặt khác, việc cho vay chậm lại không chỉ do nhu cầu của khách hàng yếu, mà bản thân các công ty tài chính cũng thận trọng hơn trong giải ngân do lo ngại nợ xấu. Vì vậy, các công ty tài chính ra sức đẩy mạnh tái cơ cấu nợ và tăng cường thu hồi nợ vay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, chính sách thận trọng không còn là chủ đạo, thay vào đó các công ty tài chính cũng như ngân hàng buộc phải kết hợp giữa thận trọng và linh hoạt để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn.

Theo đó, một số ngân hàng đã có động thái rất rõ ràng để người tiêu dùng thấy được sự linh hoạt trong cách cho vay. Thí dụ, Kienlongbank giảm 50% trên tổng số tiền lãi cho 1.300 khách hàng vay trả góp tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk. Trước đó, ngân hàng này cũng giảm 25% lãi suất cho khách hàng cá nhân vay vốn trả góp do dịch Covid-19.

Sacombank thì triển khai nhiều ứng dụng thanh toán, cho vay qua thẻ với lãi suất thấp và cộng nhiều ưu đãi. Chẳng hạn Pay là ứng dụng quản lý tài chính, được tích hợp đầy đủ các tính năng, tiện ích ngân hàng hiện đại nhằm mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm thú vị trong lĩnh vực ngân hàng số như: vay tiêu dùng tối đa 100 triệu đồng với lãi suất 0,65%/tháng khi vay theo hình thức sổ tiết kiệm và 0,84%/tháng khi vay theo hình thức thẻ tín dụng; mở tài khoản tiết kiệm cộng ngay 0,5% lãi suất; mở thẻ tín dụng; liên kết với thẻ nội địa và quốc tế của tất cả ngân hàng; dễ dàng nạp tiền/chuyển tiền vào ứng dụng; rút tiền mặt không cần thẻ nhựa; chuyển tiền đến bất kỳ người nhận nào qua tài khoản, thẻ, số điện thoại di động hoặc mã QR cá nhân; chủ động quản lý thẻ, tài khoản; đặt khách sạn; mua vé máy bay/xe/tàu hỏa, vé xem phim; mua thẻ cào hoặc nạp tiền điện thoại di động; thanh toán hóa đơn nhiều lĩnh vực và cho phép ủy thác thanh toán tự động; đăng ký và quản lý giao dịch mua hàng/ứng tiền trả góp lãi suất 0%; tìm điểm giao dịch, ATM và những ưu đãi mới nhất, bảo hiểm Liberty;…

Trong khi đó, ông Trịnh Bằng Vũ – Giám đốc khối bán lẻ của Shinhan Bank cho biết, so với trước khi có đại dịch, rủi ro tín dụng về cho vay tiêu dùng cá nhân đương nhiên có sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi, theo đó các ngân hàng buộc phải thận trọng hơn trong các quyết định cho vay và quản lý danh mục cho vay của mình.

Theo ông Vũ, đầu tiên, các khách hàng có thu nhập từ lương và làm việc tại những ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch như: ngành hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống… sẽ bị suy giảm khả năng trả nợ dẫn đến việc các ngân hàng phải thực hiện gia hạn thu nợ, giảm lãi vay.

Có thể thấy, với đợt giảm lãi suất lần này rất có ích cho người tiêu dùng trực tiếp. Bởi lãi suất giảm đồng nghĩa với việc kích cầu tiêu dùng, hàng hóa bán chạy, doanh nghiệp từ đó nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường. Ngoài ra, đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu tăng trưởng rất cần thiết nên việc giảm lãi suất kích cầu tiêu dùng mà ngân hàng thực hiện càng có ý nghĩa hơn với doanh nghiệp.

Bình luận về vấn đề giảm lãi vay kích cầu tiêu dùng, một chuyên gia kinh tế cho biết về mặt nguyên tắc, khi có người hỗ trợ tài chính giá rẻ để tiêu dùng, sức mua chắc hẳn sẽ tăng lên. Có thể nhu cầu của vay vốn ở thời điểm hiện tại không quá lớn, nhưng càng về cuối năm, chính sách này của ngân hàng sẽ càng phát huy tác dụng vì nhu cầu mua sắm cao lên.

Nhìn chung, 2020 là năm khó khăn với tín dụng và tín dụng tiêu dùng nói riêng, song nhìn về dài hạn, chính sách của ngân hàng cũng như công ty tài chính đang rất phù hợp, dự đoán tiềm năng tăng trưởng lĩnh vực này vẫn rất tốt. Đồng thời, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu. Nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen. Có điều, muốn kích cầu tín dụng tiêu dùng thành công thì các ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn cần xem xét giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý nhất, để người tiêu dùng an tâm vay nợ.

Nguồn: Linh Vân – Thời báo ngân hàng

Share this post