Lãi suất duy trì ổn định, hỗ trợ nền kinh tế

Lãi suất duy trì ổn định, hỗ trợ nền kinh tế

Một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, nếu xét trong ngắn hạn, lãi suất cho vay có thể có những áp lực tăng nhưng lâu dài thì xu hướng vẫn sẽ ổn định, nỗ lực thì có thể giảm thêm, nhất là với những lĩnh vực ưu tiên.

Sau ba lần cắt giảm mạnh lãi suất điều hành năm 2020 (một trong các NHTW giảm lãi suất mạnh nhất khu vực) NHNN đã tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 để tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp, có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Cơ quan điều hành cũng chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. 16 ngân hàng có thị phần lớn đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 đến hết năm 2021.

Theo số liệu của NHNN từ 15/7 – 30/11/2021, tổng số tiền lãi giảm của 16 ngân hàng là khoảng 18.095 tỷ đồng – đạt 87,7% so với cam kết. Trong số đó, Agribank tiếp tục dẫn đầu khi tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 5.176 tỷ đồng đạt 90,8% so với cam kết; Tổng số tiền lãi Vietcombank đã giảm cho khách hàng là 3.822 tỷ đồng đạt 95,56% so với cam kết; BIDV tổng số tiền lãi ngân hàng này đã giảm cho khách hàng là 3.382 tỷ đồng đạt 93,94% so với cam kết; VietinBank đã giảm cho khách hàng là 2.019 tỷ đồng đạt 112,17% so với cam kết…

Ở khối NHTMCP có SeABank đã giảm cho khách hàng là 193 tỷ đồng tiền lãi đạt 345,23% so với cam kết với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 51.341 tỷ đồng cho 42.043 khách hàng. Hay như MSB tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 155 tỷ đồng đạt 310% so với cam kết…

Bên cạnh đó, 4 NHTMNN tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giảm 10% lãi suất cho vay đang áp dụng để hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 đã tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm – thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm). Tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc, giám đốc các TCTD nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình, tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Để giảm được lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay, theo chuyên gia, trước hết các ngân hàng cần tiết giảm chi phí hoạt động. Mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thực tế đã giảm mạnh trong thời gian qua, khiến huy động tiền gửi tiết kiệm ngân hàng giảm, lãi vay khó mà giảm sâu.

TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định dư địa hạ lãi suất còn, song không nhiều khi mặt bằng lãi suất hiện đã giảm thấp và xu thế của thế giới hiện nay là bắt đầu tăng lãi suất cũng như dần thu hẹp các gói hỗ trợ… Chưa kể, áp lực lạm phát đang tăng lên, và nợ xấu trong hệ thống tài chính – ngân hàng cũng là cả một vấn đề rất thách thức. Tuy nhiên, TS. Lực cùng một số chuyên gia cũng kiến nghị có thể sử dụng một số biện pháp cả gián tiếp và trực tiếp như sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở hỗ trợ TCTD duy trì lãi suất ở mức thấp, giúp TCTD phấn đấu giảm lãi suất thêm 0,5-1% bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, nếu xét trong ngắn hạn, lãi suất cho vay có thể có những áp lực tăng nhưng lâu dài thì xu hướng vẫn sẽ ổn định, nỗ lực thì có thể giảm thêm, nhất là với những lĩnh vực ưu tiên.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận, lãi suất thế giới tăng thì lãi suất tại Việt Nam khó “yên ắng” được, song định hướng chung của Chính phủ và NHNN là duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ phục hồi kinh tế nên lãi suất nếu có tăng thì cũng không đáng kể. TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, năm 2022, không chỉ lãi suất mà nhiều vấn đề khác vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh. Theo ông Hiếu, nếu dịch được kiểm soát tốt, kinh tế sớm phục hồi mạnh thì khả năng lãi suất sẽ tăng trở lại, nhưng mức tăng cũng không cao, khoảng từ 0,5-1%. Ngược lại, ở kịch bản dịch diễn biến phức tạp hơn thì lãi suất sẽ có thể giảm từ khoảng 0,25-0,5% trong năm 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. “Điều hành lãi suất sẽ là rất thách thức, NHNN nên có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp theo diễn biến thị trường và tình hình kinh tế vĩ mô nếu cần thiết”, chuyên gia này cho hay.

CTCK VNDirect cũng đưa ra nhận định khả năng NHNN sẽ không nâng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022 nhằm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cơ quan điều hành có thể sẽ sử dụng tới các công cụ thông qua thị trường mở, như mua ngoại hối và bơm tiền đồng ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản hoặc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các NHTM.

Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng

Share this post