“Lãi suất huy động tiền VND có xu hướng tăng ở một số kỳ hạn”
“Lãi suất huy động tiền VND có xu hướng tăng ở một số kỳ hạn”
Báo cáo Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016, Chính phủ nhận định lãi suất huy động bằng đồng VND có xu hướng tăng ở một số kỳ hạn.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tính đến ngày 20/02/2016, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 2,03% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,38%).
Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD tăng 0,34 % so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 0,05%). Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,39% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 0,96%).
Lãi suất cho vay tương đối ổn định, lãi suất huy động bằng đồng VND có xu hướng tăng ở một số kỳ hạn (chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng) nhằm cơ cấu lại nguồn vốn của các TCTD và thu hút nguồn tiền nhàn rỗi sau Tết của người dân để chuẩn bị nguồn vốn cho tăng trưởng tín dụng cả năm.
Chính phủ đánh giá, năm 2015, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng trọng tâm là các TCTD đã tích cực, chủ động cơ cấu lại các TCTD; giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các NHTM cổ phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ thông qua các giải pháp như tổ chức lại, sáp nhập, mua lại với giá 0 đồng,…; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống.
Các TCTD từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế, hiệu quả hoạt động được nâng lên, chất lượng tín dụng được cải thiện; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 tăng 13,5%/năm, riêng năm 2015 tăng 18%.
Triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tỷ lệ nợ xấu giảm dần, đến cuối năm 2015 còn khoảng 2,55%.
Các công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm từng bước được cơ cấu lại; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; thông tin ngày càng công khai, minh bạch; hiệu quả hoạt động được cải thiện.
Quy mô thị trường ngày càng tăng, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP, thị trường trái phiếu đạt 23% GDP vào cuối năm 2015. Tổng doanh thu thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17%/năm, tính đến cuối năm 2015 bằng khoảng 2% GDP.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống NHTM đã có bước chuyển biến, cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng giảm dần, đã sáp nhập một số NHTM quy mô nhỏ hoạt động yếu kém.
Tuy nhiên, xuất hiện một số NHTM cổ phần quy mô lớn gặp khó khăn phải thay đổi chủ sở hữu, người quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước. Một số ý kiến cho rằng nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa mang lại hiệu quả.
Nhiều ý kiến nhận định dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn thì việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát.
Báo cáo Chính phủ cũng cho biết lạm phát cơ bản tháng 2/2016 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2016 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân hai tháng đầu năm tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, do nhu cầu dịp Tết Nguyên đán tăng cao, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất, tăng 1,98%, trong đó, riêng thực phẩm tăng 2,45%; tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,15%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,8%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,71%.
Ba nhóm hàng có chỉ số giá giảm, trong đó giao thông là nhóm có chỉ số giá giảm mạnh nhất, giảm 3,96% chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm theo giá dầu thế giới; tiếp đến là nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm 0,41%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,16%.
Nhìn chung, giá cả thị trường trong những ngày trước, trong và sau Tết tương đối ổn định, giá cả một số mặt hàng chỉ tăng nhẹ so với ngày thường, nhưng không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.
(trích stockbiz)