“Một số ngân hàng huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ”
“Một số ngân hàng huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ”
“Vừa rồi chúng tôi có một báo cáo nhưng không thể công bố được. Vì nói đến dự thu thì phải điểm tên chỉ mặt các ngân hàng, vấn đề này lại rất nhạy cảm”, ông Thành cho biết thêm.
Lãi suất cho vay sẽ tăng 1 – 2%
Theo ông Thành, trong khi ngành ngân hàng vẫn chưa giải quyết xong vấn đề nợ xấu thì nay lại thêm vấn đề lãi dự thu. “Các ngân hàng vẫn đang phải “nuôi” nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được “tiền tươi thóc thật”. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân. Thế nên, trong con số thu nhập lãi thuần 2,74% mà các ngân hàng công bố có một phần “ảo” trong đó”, ông Thành phân tích.
Theo ông Thành, cần cảnh báo được sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này. Vấn đề này không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu mà tồn tại cả ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên.
“Một số ngân hàng hiện nay đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ vì lãi dự thu chưa thu được, ngân hàng chưa có tiền. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này”, ông Thành cho hay.
Rõ ràng, bên cạnh việc xử lý nợ xấu thì còn phải giải bài toán làm sao giải quyết được vấn đề lãi dự thu của các ngân hàng.
“Nếu khoản lãi dự thu này cuối cùng không thu được thì một khoản lợi nhuận cho vay, nhẽ ra thu lãi định kỳ thì phải ghi nhận cuối kỳ rồi nhập vào gốc. Đây là một vấn đề lớn trong tái cấu trúc, ông Thành phân tích.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng cho rằng đang có sự mất cân đối giữa vốn huy động và cho vay. “Áp lực thanh khoản đang tăng lên, lãi suất có chiều hướng tăng vào cuối năm 2015, bây giờ đang tiếp tục tăng, tăng trưởng kinh tế sẽ như thế nào nếu lãi suất huy động tăng lên?”, ông Thúy bình luận.
“Theo tính toán của chúng tôi, lãi suất có thể tăng 1-2% so với mặt bằng năm 2015. Không thể đơn giản nói rằng doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh bình thường như năm 2015 hay tốt hơn 2015 được. Đấy là những câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra”, ông Thúy nói.
Cùng quan điểm, TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), cũng nêu lên những bất cập trong việc vốn cho vay trung và dài hạn tăng nhanh, gây áp lực lên lãi suất.
“Đáng lẽ lãi suất có điều kiện để giảm thêm nữa, khi lạm phát trong năm 2015 thấp. Tuy nhiên, do việc phải điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn, việc sửa đổi Thông tư 36 của ngân hàng nhà nước có thể khiến lãi suất tăng”, ông Phước nhận định.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cũng cho rằng năm 2016 lãi suất không còn cơ hội giảm, vì lạm phát đang tăng lên.
Bỏ mặc ngân hàng là thiếu tầm nhìn
Về vấn đề nợ xấu, ông Thúy nhận xét: “Ai cũng nói nợ xấu là vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng, nhưng theo tôi, khi nợ xấu đã được ghìm dưới 3% thì đây không còn là vấn đề lớn nữa. Đã làm ngân hàng đương nhiên có nợ xấu nhưng ở đây nợ xấu dưới 3% thì tốt quá rồi!”.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng Việt Nam đánh giá nợ xấu dưới 3% có lẽ chưa theo chuẩn mực của thế giới. “Thực tế, nợ xấu có một phần không nhỏ nằm ở VAMC, chưa giải quyết được căn bản. Cần xem lại tư duy cho rằng không được dùng ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác là tiền thuế dân để hỗ trợ, xử lý nợ xấu”, ông Thúy nêu quan điểm.
Theo ông Thúy, ngân hàng tạo ra nợ xấu thì phải chịu, thế nhưng, nếu ôm quá nhiều nợ xấu thì ngân hàng không thể làm tròn vai trò là trung gian tài chính, là nguồn phân bổ vốn cho nền kinh tế.
“Nếu để ngành ngân hàng sang một bên mà nền kinh tế vẫn phát triển thì không còn phải bàn. Thế nhưng, sức khỏe của nền kinh tế gắn với ngân hàng, ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Nên nếu nhìn nhận theo hướng: Cứ để mặc, kệ nó cho nó tự xử lý thì theo tôi là thiếu trách nhiệm, thiếu tầm nhìn”, ông Thúy nêu quan điểm.
(Theo bizlive)