Ngân hàng cho vay quá đà, lộ nhiều “điềm xấu”
Ngân hàng cho vay quá đà, lộ nhiều “điềm xấu”
Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố đến cuối tháng 1/2016 cho thấy tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng tăng lên mức 89,31%, trong khi theo quy định của Thông tư 36, tỷ lệ này chỉ là 80%.
Theo đó, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động tính đến cuối tháng 1/2016 là 89,31%, tăng so với tỷ lệ 87,69% hồi cuối tháng 12/2015. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước lại tăng từ 97,22% hồi cuối tháng 12 lên 99,11% vào cuối tháng 1/2016, còn ngân hàng thương mại cổ phần tăng từ 78,49% lên 79,05%.
Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến cuộc đua lãi suất huy động đang lan rộng trong hệ thống ngân hàng?
Thống kê của nganah àng nhà nước cũng cho biết, tính đến tháng 12/2015, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng xuống mức 2,52%. Đây là mức sụt giảm khá nhanh chóng, khi mà hồi tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang ở mức cao chót vót là 17%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu giảm dần trong những năm tiếp theo và đến tháng 1/2015, tỷ lệ nợ xấu còn 3,52%, mặc dù có tăng nhẹ một vài tháng trong năm nhưng đến cuối năm 2015, tỷ lệ này đã giảm xuống mức 2,52%.
Dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, việc giảm nợ xấu là không thực chất, đây chỉ là cuộc chuyển nợ xấu từ ngân hàng sang VAMC. Nguyên nhân của việc nợ xấu không giảm, đó là do chưa có nguồn lực để xử lý nợ xấu.
Không đẹp như con số nợ xấu, tháng 1/2016 cho thấy nhiều chỉ số không được tốt. Ví như tổng tài sản của hệ thống ngân hàng bất ngờ sụt giảm 32.304 tỷ đồng, từ 7.319.317 tỷ đồng vào cuối năm năm 2015 xuống còn 7.287.013 tỷ đồng vào cuối tháng 1/2016.
Trong đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 33.122 tỷ đồng, từ 3.303.995 tỷ đồng xuống còn 3.270.873 tỷ đồng. Tổng tài sản của các ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm 5.023 tỷ đồng, từ mức 2.928.146 tỷ đồng xuống còn 2.923.123 tỷ đồng.
Vốn tự có của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ từ 578.020 tỷ đồng cuối năm 2015 lên 580.284 tỷ đồng vào cuối tháng 1/2016.
Trong đó, ngân hàng thương mại Nhà nước tăng nhẹ từ 203.328 tỷ đồng lên 204.328 tỷ đồng, còn khối ngân hàng thương mại cổ phần lại sụt giảm nhẹ từ 236.342 tỷ đồng xuống 234.764 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng cũng chỉ điều chỉnh nhẹ, trong đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước không có sự thay đổi, còn khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng nhẹ từ 193.977 tỷ đồng lên 194.088 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng cũng bất ngờ sụt giảm từ 13% hồi cuối năm 2015 xuống còn 12,86% vào cuối tháng 1/2016. Trong đó, ngân hàng thương mại Nhà nước giảm từ 9,42% xuống còn 9,38%, ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 12,7% xuống còn 12,44%.
Một áp lực lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng nữa, đó là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng từ 31% trong tháng 12/2015 lên 31,39% tháng 1/2016.
Trong đó, ngân hàng thương mại Nhà nước tăng từ 33,36% lên 34,36%, còn ngân hàng thương mại cổ phần lại giảm nhẹ từ 36,9% xuống còn 36,66%.
(theo bizlive)