Ngân hàng năm 2016: Cảnh báo áp lực từ nợ xấu và lãi dự thu
Ngân hàng năm 2016: Cảnh báo áp lực từ nợ xấu và lãi dự thu
Trong khi nợ xấu vẫn đang là vấn đề lớn gây áp lực tài chính với hệ thống ngân hàng thì một vấn đề nữa cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng là lãi dự thu.
Đây là những đánh giá được nêu ra tại hội thảo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) về tình hình tài chính Việt Nam năm 2015.
Nợ xấu phát sinh thêm 45.000 tỷ đồng trong năm 2015
Theo đánh giá của UBGSTCQG, trong năm 2015, tổng tài sản hệ thống ngân hàng tăng 12,4%, đạt trên 7.109 nghìn tỷ đồng. Tín dụng tăng 19% trong khi huy động vốn tăng 16,1%. Cơ cấu tài sản nợ bền vững hơn. Kết quả kinh doanh của hệ thống tổ chức tín dụng khởi sắc hơn. Lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro tăng 43,5%. Chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể. Số nợ quá hạn là 179.501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4%, giảm so với năm 2014 là 5,3%. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,7% xuống 2,9% (xấp xỉ 200.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBGSTCQG Trương Văn Phước cũng đề cập đến những vấn đề cần lưu ý với hệ thống ngân hàng. Trong năm qua, số nợ xấu được giải quyết chủ yếu thông qua bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Số nợ bán cho VAMC đến năm 2015 là 243.000 tỷ đồng, tăng so với mức 133.000 tỷ đồng của năm 2014 và lớn hơn số nợ xấu hiện có tại các ngân hàng. Với số nợ này, mặc dù đã bán cho VAMC nhưng thực chất các ngân hàng vẫn phải trích dự phòng, gây gánh nặng tài chính lớn cho các ngân hàng.
Phân tích dài hạn hơn về chất lượng tín dụng, ông Trương Văn Phước cho biết việc tăng trưởng tín dụng rất cao trong năm qua cũng là một điều cần cảnh báo về nguy cơ phát sinh nợ xấu. Trong năm 2015, số nợ xấu mới phát sinh là 45.000 tỷ đồng. Theo ông Trương Văn Phước, mặc dù con số này chưa bộc lộ rõ ở thời điểm hiện nay nhưng là nguy cơ tiềm ẩn cho các năm tiếp theo khi tín dụng tiếp tục tăng tạo nguồn thu ngắn hạn.
Bên cạnh đó, hiện tại thanh khoản của các ngân hàng đang ổn định nhưng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong tương lai khi tỷ lệ vốn cho vay trung dài hạn chiếm tới 55%, còn vốn huy động dài hạn chỉ trên dưới 10%. Mức chênh lệch lớn này cần phải được lưu ý, điều chỉnh để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.
Lãi dự thu tiềm ẩn nhiều rủi ro
Không chỉ nợ xấu, lãi dự thu cũng là vấn đề được đề cập tại hội thảo của UBGSTCQG như là một rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, một số ngân hàng đang ghi nhận ngày càng nhiều khoản lãi mà thực chất chưa nhận được tiền. Cụ thể là các khoản lợi nhuận từ cho vay tín dụng, thay vì thu lãi định kỳ thì được thu lãi cuối kỳ và nhập gốc. Trong khi đó, trên sổ sách kế toán, khoản lãi này được phân bổ trong suốt kỳ và tính vào lợi nhuận.
“Nếu nhìn vào dòng tiền chứ không phải lợi nhuận kế toán thì khoản lãi huy động mà ngân hàng phải trả khớp nhau về số tiền mặt và số kế toán, huy động bao nhiêu thì trả lãi bấy nhiêu. Tuy nhiên, khoản lãi khi ngân hàng cho vay lại chưa thu được, mới là ghi dự thu và vẫn được tính vào lợi nhuận”, ông Nguyễn Xuân Thành giải thích.
Theo các chuyên gia, điều này có những hệ lụy cần phải cảnh báo bởi khoản lợi nhuận chưa thu được này chưa phải là lợi nhuận thực. Nếu cuối kỳ, khoản lãi này không thu được thì sẽ gây nguy hiểm cho ngân hàng và cả hệ thống, gây áp lực lớn cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng.
Đây cũng là điều được đề cập trong báo cáo của UBGSTCQG. Một trong bốn vấn đề được Ủy ban lưu ý về khu vực ngân hàng là quy mô lãi dự thu lớn và cần có chính sách xử lý phù hợp đối với các loại hình ngân hàng thương mại. Theo số liệu của Ủy ban, chỉ riêng lãi dự thu của 5 ngân hàng tái cơ cấu vừa qua đã là 38.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2014, và chiếm 33,9% lãi dự thu toàn hệ thống. Như vậy, có thể ước tính lãi dự thu của cả hệ thống vào khoảng 112.000 tỷ đồng, một con số không nhỏ.
(trích thoibaotaichinhvietnam)