Chuẩn hóa tiền trong lưu thông

Chuẩn hóa tiền trong lưu thông

Ngày 26/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm mô hình quản lý, cung ứng tiền mặt trong ngành Ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có gần 100 đại biểu là lãnh đạo NHNN, đại diện các vụ, cục, đơn vị trực thuộc NHNN, lãnh đạo và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của các NHTM trong nước và các NH, tổ chức quốc tế đến từ Thái Lan, Australia, New Zealand…

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu chủ trì buổi tọa đàm

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu chủ trì buổi tọa đàmung

Tọa đàm nhằm nghiên cứu thực trạng các mô hình quản lý, cung ứng tiền mặt của TCTD để định hướng lựa chọn mô hình, cơ chế quản lý cung ứng tiền mặt phù hợp cho các NHTM trong thời gian tới; đồng thời cũng là diễn đàn để tham khảo kinh nghiệm từ các đại biểu quốc tế về kỹ năng nghiệp vụ trong công tác quản lý cung ứng tiền mặt nhằm đẩy nhanh tốc độ luân chuyển của đồng tiền, đảm bảo cơ cấu và chất lượng tiền mặt trong lưu thông, tiến tới tạo lập thị trường dịch vụ ngân quỹ, tiết kiệm chi phí, quản lý hiệu quả nguồn vốn bằng tiền mặt của các TCTD…

Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, thời gian qua, NHNN đã chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cung ứng tiền mặt phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế; tổ chức hợp lý việc kiểm đếm, phân loại tiền và nâng cao chất lượng tiền mặt cung ứng vào lưu thông trong hệ thống NH. Những năm gần đây, mặc dù tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên khá nhanh, nhưng tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán khá lớn trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hệ thống các TCTD được mở rộng và phát triển khá nhanh về quy mô tài sản và mạng lưới, sự cạnh tranh trong chất lượng dịch vụ của các NHTM đã và đang đặt ra các yêu cầu phải nâng cao chất lượng dịch vụ ngân quỹ nói chung, dịch vụ tiền mặt nói riêng, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả nguồn vốn bằng tiền mặt cho mỗi TCTD. Do vậy, việc đổi mới cơ chế, mô hình quản lý, cung ứng tiền mặt vẫn tiếp tục được đặt ra, mà trước hết là trong ngành NH, giữa NHNN với các TCTD và giữa các TCTD với nhau.

Đề cập đến những thách thức, theo Phó cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) Tống Trịnh Toàn, hiện nay một số TCTD đã từng bước triển khai mô hình kho quỹ tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, qua đó bước đầu chuyên môn hóa một số khâu.

Song bên cạnh đó, một số TCTD chưa triển khai thực hiện kho quỹ theo hướng tập trung, hoặc ở địa bàn tỉnh, thành phố ít chi nhánh TCTD không có điều kiện áp dụng mô hình kho quỹ tập trung, các chi nhánh TCTD vẫn trực tiếp thực hiện giao nhận, kiểm đếm phân loại tiền, bảo quản, vận chuyển tiền, tiếp quỹ phòng giao dịch, ATM… nên chưa chuyên môn hoá được các khâu trong lĩnh vực kho quỹ dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, chất lượng và hiệu quả công tác kho quỹ không cao.

Hiện nay, đa số các TCTD đã triển khai thực hiện giao dịch tiền mặt với NHNN thông qua đơn vị đầu mối (Vietcombank, Techcombank, VIB, SHB, Bắc Á…). Các chi nhánh Agribank cấp huyện giao dịch tiền mặt với NHNN thông qua đơn vị đầu mối là Agribank tỉnh/cấp I. Tuy nhiên, đối với nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh nông thôn, miền núi, các TCTD (khoảng từ 10 – 20 TCTD) trên địa bàn, mỗi TCTD thường chỉ có 1 chi nhánh nên vẫn thực hiện giao dịch tiền mặt trực tiếp với NHNN.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Anak Somkanae, đại diện NHTW Thái Lan cho rằng, Thái Lan có nhiều nét tương đồng trong sử dụng tiền mặt như Việt Nam. Trong những năm gần đây, NHTW Thái Lan đã có những cải tiến đáng kể trong công tác quản lý tiền mặt như xây dựng Tổng vụ quản lý tiền mặt. Nhờ vậy, trong 3 năm gần đây sử dụng tiền mặt trong các giao dịch đã giảm rõ rệt. Và đó là nhờ chất lượng đồng tiền được nâng cao, hệ thống NH sử dụng máy kiểm đếm hiện đại đảm bảo chất lượng tiền. NHTW cũng đã ban hành chuẩn chất lượng đồng tiền trong lưu thông trên toàn quốc nhờ đó chất lượng đồng tiền được kiểm soát.

“NHTW Thái Lan đã tiêu chuẩn hoá tiền mặt trong lưu thông. Các NHTM tiến hành trao đổi tiền trực tiếp với nhau qua các trung tâm. NHTW đóng vai trò là người quản lý, giám sát đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn hoạt động cho các trung tâm tiền mặt. Trung tâm đạt tiêu chuẩn thì mới được hoạt động, nên từ 140 trung tâm quản lý tiền mặt ban đầu, qua chuẩn hoá hiện chỉ còn 66 trung tâm và con số này có thể còn giảm nữa khi các trung tâm tiền mặt có sự chia sẻ về nguồn lực. Từ năm 2006, toàn bộ tiền mặt được các trung tâm này tuyển chọn và xử lý”, ông Anak Somkanae cho hay.

Chuyên gia tư vấn Brian Lang cũng đã chia sẻ mô hình quản lý tiền mặt, kho quỹ của NHTW Thái Lan, Malaysia, New Zealand, Anh… đồng thời nhấn mạnh NHTW phải đảm bảo cơ cấu mệnh giá phát hành đáp ứng nhu cầu sử dụng của nền kinh tế. Chất lượng đồng tiền phải được đảm bảo đáp ứng được lưu thông cũng như sử dụng trong các máy ATM…

Tham luận tại buổi tọa đàm, đại diện NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh ở góc độ tham gia trực tiếp vào thị trường tiền tệ Việt Nam góp ý, NHNN cần phải thiết lập cơ chế quản lý tiền mặt của quỹ tiền mặt các TCTD phục vụ cho công tác quản lý dòng tiền luân chuyển giữa các NH và cơ cấu loại tiền trong mọi thời điểm, làm cơ sở để NHNN cân đối cơ cấu tiền cung ứng cho TCTD. NHNN cũng nên có quy định cụ thể về cơ cấu tiền theo từng giao dịch, nhằm đảm bảo cơ cấu tiền trong lưu thông, ổn định lưu thông tiền tệ tại các địa bàn lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo, cần phải nghiên cứu kỹ các mô hình, ý kiến, cũng như các yếu tố về chính sách, pháp luật… Nếu giao cho các NHTM thực hiện phân loại, kiểm soát tiền giả, tuyển chọn tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông thì chất lượng tiền có đảm bảo hay không? Bởi các NHTM chỉ tối đa lợi nhuận, giảm chi phí nên rất dễ buông lỏng khâu kiểm soát chất lượng tiền. Mặt khác, các quy định về kiểm đếm, bó buộc tiền cũng phải thực hiện theo tiêu chuẩn của NHNN…

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)

Share this post