Ngân hàng nỗ lực duy trì lãi suất thấp

Ngân hàng nỗ lực duy trì lãi suất thấp

Theo giới chuyên gia, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định ở mức thấp như hiện tại trong những tháng cuối năm.

Lãi vay tiếp tục giảm

Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đã kéo dài gần 2 năm và hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Doanh nghiệp tiếp tục kéo dài chuỗi ngày khó khăn, khả năng chống chịu suy giảm. Với riêng hệ thống ngân hàng, từ dịch xuất hiện đã luôn có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực trong việc cơ cấu lại các khoản nợ, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất để giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, sớm hồi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh. NHNN năm 2020 đã chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất với mức giảm trung bình từ 1,2 – 1,5% so với mức lãi suất trước đó. Và trong bảy tháng đầu năm 2021, mức lãi suất tiếp tục giảm thêm 0,5%. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động, chia sẻ lợi nhuận để tạo thêm điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Ngay trong tháng 7/2021, 16 NHTM có quy mô lớn đã đồng thuận giảm lãi suất cho từng đối tượng khách hàng từ nay tới cuối năm 2021 với số tiền giảm là 20.300 tỷ đồng. Ngoài cam kết chung này, theo chỉ đạo của NHNN, 4 NHTM Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank cũng đồng giảm thêm mỗi ngân hàng 1.000 tỷ đồng nữa (tổng 4.000 tỷ đồng) cho TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Các ngân hàng này cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách.

Các NHTMCP khác cũng không đứng ngoài cuộc khi đồng thời triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Như tại SHB, đại diện nhà băng này chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2021, chính sách giảm 0,5%-2% lãi suất cho khách hàng đã chủ động hỗ trợ cho hơn 100 nghìn khách hàng với doanh số gần 160.000 tỷ đồng. Các biện pháp hỗ trợ này được triển khai đồng thời cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tổng số khách hàng được VPBank giảm lãi suất trong sáu tháng đầu năm 2021 là hơn 100.000 khách hàng với tổng dư nợ tương ứng gần 140.000 tỷ đồng. HDBank cũng đã thông báo giảm lãi suất cho 18.000 khách hàng với mức giảm bình quân từ 1% cho ba nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng gia tăng nhiều tiện ích trên các kênh số của ngân hàng để khách hàng dù phải ở nhà vẫn có thể giao dịch tiêu dùng, thanh toán, mua sắm… thuận tiện và dễ dàng nhất; đồng thời tích cực giảm phí cho khách hàng. Mới nhất, Viet Capital Bank thông báo tiếp tục kéo dài chương trình miễn giảm phí cho khách hàng đã thực hiện từ năm 2020, triển khai đến hết năm 2021 khi miễn 100% phí chuyển tiền trên internet banking, mobile banking đồng thời giảm đến 75% phí chuyển tiền tại quầy đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Đặc biệt để cho việc giảm lãi suất một cách thực chất, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường việc giám sát việc giảm lãi suất của các NHTM, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết này được thực hiện.

Sẽ ổn định ở mức thấp

Theo giới chuyên gia, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định ở mức thấp như hiện tại trong những tháng cuối năm. Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 7/2021 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động trong tháng 7/2021 ghi nhận mức giảm nhẹ 0,02% đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống còn trung bình 5,59%/năm. Trong khi đó, trung bình trong tháng 7 vừa qua, lãi suất liên ngân hàng của các kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần đồng loạt giảm quanh mức 0,15 điểm phần trăm. Mức lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn đang thấp hơn so với trước khi có dịch Covid-19.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp lãi suất huy động ổn định ở mức thấp là lạm phát đang được kiểm soát khá tốt. Theo Công ty Chứng khoán SSI, áp lực lạm phát trong thời gian tới chưa lớn khi nhu cầu tiêu dùng dự kiến vẫn ở mức yếu với ảnh hưởng của dịch bệnh. Thực tế, nhu cầu suy yếu khiến cho lạm phát tháng 7 chỉ tăng 0,62% so với tháng 6; tính trung bình 7 tháng đầu năm, lạm phát tăng 1,64% – mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, lạm phát dự báo sẽ tiếp tục kiểm soát tốt, giúp lãi suất ít khả năng tăng trong những tháng cuối năm 2021.

Trong khi cầu tín dụng dự báo sẽ không tăng mạnh do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo Công ty chứng khoán SSI, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 8, nhu cầu tín dụng sẽ dần hồi phục về cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến đi ngang, còn lãi suất huy động tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Chưa kể hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đang rất dồi dào nhờ nguồn cung tiền đồng lớn vừa được bơm vào thị trường qua kênh mua ngoại tệ kỳ hạn. Đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp duy trì ổn định mặt bằng lãi suất. Hơn hết, theo chuyên gia, định hướng xuyên suốt của cơ quan quản lý là duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên việc giữ cho mặt bằng lãi suất ổn định, cơ hội giảm thêm là có cơ sở.

Trên thực tế, giảm lãi suất luôn là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Bản thân các ngân hàng cũng muốn vậy, bởi doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng mới khỏe. Thế nhưng hiện các ngân hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Vì vậy việc giảm lãi suất ra sao còn phụ thuộc vào điều kiện, quy mô của từng ngân hàng và tương ứng với mức ảnh hưởng của từng nhóm đối tượng cụ thể.

Mới đây, Hiệp hội DNNVV có kiến nghị NHNN nghiên cứu, chỉ đạo hệ thống NHTM giảm từ 3-5% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với giới chuyên gia, phần lớn đều có quan điểm rằng điều này không thật sự phù hợp, thậm chí thiếu thực tế. Chỉ nói đơn giản như nếu giảm 3-5% lãi suất cho vay thì đồng nghĩa là lãi suất đầu vào cũng cần giảm thêm khá nhiều. “Huy động hiện đã rất thấp rồi và đầu vào lãi suất phải duy trì thực dương chứ, lấy đâu ra điều kiện để giảm lớn như vậy. Muốn giảm lãi vay dù ở mức nào đều phải tính toán đến việc đảm bảo an toàn năng lực tài chính của từng TCTD và của toàn hệ thống, phù hợp với các cân đối vĩ mô”, một chuyên gia chia sẻ.

Nguồn: Minh Khôi – Thời báo ngân hàng

Share this post