Chặng đường không trải hoa hồng

Chặng đường không trải hoa hồng

Việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức từ hạn chế của khung khổ pháp lý, các vấn đề nội tại của các ngân hàng và các vấn đề bảo mật thông tin.

Cơ hội và thách thức

Ngân hàng số mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nó giúp chuyển dịch từ kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống là các chi nhánh, quầy giao dịch… sang các kênh số hóa, qua đó giúp các ngân hàng giảm thiểu chi phí giao dịch, vận hành, trong khi có thể cung cấp những tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, tương tác hiệu quả hơn với khách hàng.

Tuy nhiên, việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức từ hạn chế của khung khổ pháp lý, các vấn đề nội tại của các ngân hàng và các vấn đề bảo mật thông tin.

Hiện vẫn đang tồn tại ý tưởng tận dụng hệ thống ngân hàng truyền thống rồi thêm vào mảng công nghệ số để trở thành ngân hàng số. Nhưng thực tế không hẳn vậy, muốn triển khai ngân hàng số thì điều tiên quyết là phá bỏ hoàn toàn tư duy, cách thức tổ chức ngân hàng truyền thống để thiết lập lại một hệ thống ngân hàng chỉ dựa trên số hóa hoàn toàn. Đây là việc chẳng dễ dàng gì.

Bên cạnh đó, do trình độ dân trí chưa đồng đều, thu nhập của người dân còn thấp và chưa ổn định, nên đối tượng khách hàng này chưa hoàn toàn thích ứng với công nghệ số. Một khi đối tượng phục vụ chính của ngân hàng số chưa thích ứng thì việc ngân hàng chuyển đổi số quá nhanh cũng tạo nên một sự chênh lệch cung cầu không cần thiết, có thể làm cho ngân hàng tốn kém chi phí vào việc dồn quá nhiều nguồn lực chuyển đổi số mà chưa mang lại kết quả tương xứng. Như vậy, cần phải tính toán nhu cầu của khách hàng để việc chuyển đổi số của ngân hàng đồng bộ, có lộ trình cụ thể và tránh sự lệch pha.

Một vấn đề nữa là việc lựa chọn giữa lao động am hiểu về công nghệ hay chuyên môn ngân hàng cũng cần được xem xét một cách thấu đáo. Quan điểm hiện nay của các học giả nước ngoài cho rằng để đáp ứng yêu cầu ngân hàng số thì người lãnh đạo phải là chuyên gia công nghệ chứ không phải là chuyên gia ngân hàng. Về một góc độ nào đó, ý kiến này cũng có lý, nhưng xét trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam cần được nhìn nhận, cân nhắc lợi hại để có quyết định đúng đắn.

Bên cạnh đó, chuyển đổi sang ngân hàng số đòi hỏi lực lượng cán bộ có trình độ công nghệ, đặc biệt là công nghệ ngân hàng. Tuy nhiên, để có được lực lượng này không phải là ngày một, ngày hai. Hiện nay, nhân sự có năng lực về công nghệ số hiện đại trong các ngân hàng Việt Nam còn yếu và mỏng, thiếu nhân sự có khả năng nắm bắt và triển khai các công nghệ số hiện đại trên thế giới. Cá nhân chúng tôi nghĩ rằng, lực lượng lao động ngân hàng có am hiểu về công nghệ số vẫn tốt hơn là lao động chỉ đơn thuần nắm bắt công nghệ thông tin mà không am hiểu về nghiệp vụ ngân hàng.

Nhìn bao quát thế giới để thấy việc chuyển đổi ngân hàng số không phải là “mua vàng chỉ sau một đêm ngon giấc”. Điều này đặt ra vấn đề đào tạo nội bộ cho nguồn lao động hiện tại và yêu cầu chuẩn đào tạo cho các trường đại học của Ngành để đảm bảo người lao động vừa đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng vừa am hiểu nhất định về công nghệ số.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia

Sự phát triển của công nghệ số kéo theo sự gia tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao, tin tặc hoạt động ngày càng thường xuyên hơn. Ngoài ra, muốn thực hiện ngân hàng số thì dữ liệu phải được thu thập không ngừng và tối đa, được thực hiện bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Các đối tác thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Grab, Now, Shopee… có thể xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của hệ thống ngân hàng tích hợp với các nền tảng ứng dụng để tối đa hóa lợi ích người dùng. Vấn đề đặt ra là khi dữ liệu người dùng bị chia sẻ bởi các nền tảng ứng dụng khác nhau thì vấn đề bảo mật như thế nào? Liệu có lặp lại tình trạng dữ liệu bị đem rao bán như gần đây người dùng facebook đang gặp phải hay không? Đến lúc đó niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng sẽ như thế nào?

Như vậy, vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý – NHNN cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý an toàn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng theo kịp với sự phát triển ngân hàng số, bảo vệ ngân hàng cũng như khách hàng và bản thân các ngân hàng cần có các cơ chế bảo mật cao, cơ chế ngăn ngừa nhiều tầng để ngăn chặn các cuộc tấn công, đồng thời áp dụng những cách thức phòng thủ mới.

Một vấn đề nữa là cần phân định giữa công ty Fintech và ngân hàng về chức năng và nhiệm vụ. Công ty Fintech có thể tận dụng lợi thế công nghệ để phát triển nhanh số lượng khách hàng cũng như tạo ra các ứng dụng giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng, nhưng chúng ta có lẽ cũng nên thống nhất với nhau một điều Fintech là Fintech, ngân hàng là ngân hàng. Ngân hàng có thể hợp tác với Fintech, nhưng Fintech không thể thay thế ngân hàng, ít nhất là về mặt luật lệ và quy định. Hơn nữa, hoạt động ngân hàng có những quy định an toàn cần được đáp ứng, để đảm bảo an ninh tài chính – tiền tệ, yếu tố vô cùng quan trọng của một quốc gia.

Đầu tư và nâng cấp hệ thống công nghệ ngân hàng lõi là yêu cầu bắt buộc trong phát triển ngân hàng số. Tuy nhiên hệ thống ngân hàng lõi truyền thống phức tạp đang là rào cản lớn nhất đối với sự thành công của ngân hàng số trong khi đó việc thay đổi hệ thống rất phức tạp, tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng của các ngân hàng như tốc độ đường truyền, tính ổn định của mạng di động…

Đặc biệt, cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo ra hệ thống hạ tầng tốt đẩy nhanh tiến độ triển khai ngân hàng số. Ngân hàng số đặt ra yêu cầu gắn kết khách hàng – ngân hàng qua kênh số mà không là bất cứ kênh nào khác. Điều này rất cần thiết nhưng để hiện thực hóa lại là một vấn đề cực kỳ nan giải. Hiện nay, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là trọng tâm của ngành để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để mỗi người dân tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất mới được xây dựng và quá trình đưa vào triển khai còn chậm và chưa thật triệt để.

Ngân hàng số đang thực sự mở ra một tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Việc chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là một xu thế khó có thể đảo ngược. Tuy nhiên, để đạt đến trạng thái ngân hàng số hoàn hảo, đáp ứng yêu cầu trải nghiệm của khách hàng theo thời gian thực có lẽ là một chặng đường đầy chông gai, đòi hòi sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan quản lý và cả các ngân hàng.

Nguồn: ThS. Võ Minh – Thời báo ngân hàng

Share this post