Nhà băng đa dạng hóa khách hàng
Một trong những động thái giúp cải thiện tín dụng là do các nhà băng ngày càng chú trọng hơn với việc đa dạng hoá khách hàng, không quá tập trung vào một phân khúc. Đồng thời đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ để bù đắp sụt giảm từ tín dụng dưới tác động của dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến 26/10/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,15% so với năm 2019. Tuy nhiên đà tăng trưởng cũng như quy mô tín dụng của mỗi nhà băng là không giống nhau. Xét về con số tuyệt đối thì dù tín dụng tại các ngân hàng chỉ tăng một vài phần trăm, song số dư tuyệt đối của lượng tín dụng tăng thêm vẫn lớn gấp nhiều lần so với các nhà băng quy mô nhỏ, qua đó góp phần là đòn bẩy kéo tín dụng của cả hệ thống ngân hàng tăng lên.
Theo các chuyên gia ngân hàng, hiện dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang dần hồi phục, mặt bằng lãi suất giảm sâu, tính mùa vụ… là những nguyên nhân được cho là khiến dòng chảy tín dụng lạc quan hơn trước. Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia trên thế giới đang mở cửa trở lại cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, qua đó kích thích nhu cầu vay vốn của DN. Ngoài ra một trong những động thái giúp cải thiện tín dụng là do các nhà băng ngày càng chú trọng hơn với việc đa dạng hoá khách hàng, không quá tập trung vào một phân khúc. Đồng thời đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ để bù đắp sụt giảm từ tín dụng dưới tác động của dịch Covid-19.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong quý III/2020 tăng trưởng tín dụng ở một số lĩnh vực đã đạt được kết quả tốt như nông nghiệp – nông thôn tăng 5%, xuất khẩu tăng 7%, kể cả lĩnh vực mà đánh giá vẫn còn khó khăn như ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điều hoà không khí, dịch vụ bán buôn bán lẻ đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khả quan. Những kết quả trên cho thấy dù trong bối cảnh nền kinh tế rất nhiều thách thức dưới tác động của dịch nhưng các DN đều đang có sự chuyển biến tích cực và linh hoạt. Nói riêng như lĩnh vực xuất khẩu, thực tế cho thấy nhiều ngân hàng đang chuyển hướng sang tài trợ tín dụng cho các DN lĩnh vực này khi chỉ tính riêng trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ nằm trước và tăng 34% so với quý II/2020. Đặc biệt khu vực kinh tế trong nước là động lực cho tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực này đạt tới 71,4 tỷ USD – tăng mạnh 19,5%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo chia sẻ của TS. Châu Đình Linh, Hiệp định EVFTA được dự báo sẽ tiếp tục là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam. Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tác động của EVFTA chỉ ra rằng, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.
Không chỉ dành nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên để giúp các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, một số ngành hứa hẹn tăng trưởng thời gian tới như sản xuất các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống, các lĩnh vực bền vững như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo… cũng được ngân hàng quan tâm. VietinBank đã triển khai sản phẩm dịch vụ với mục tiêu tài trợ vốn đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà cho DN ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị được EVN ủy quyền. Quy mô gói cấp tín dụng cho sản phẩm này lên tới 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,1%.
Hay như VPBank mới đây cũng đã chính thức công bố chương trình tín dụng xanh dành cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn với mục đích đầu tư cho các kế hoạch, dự án thân thiện với môi trường: vay tài trợ dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường; HDBank cũng đẩy mạnh tài trợ khách hàng DN xây lắp các dự án điện mặt trời trên mái nhà…
Cũng nằm trong xu hướng này, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho hay, bằng cách phân loại khách hàng thành nhiều phân khúc, SHB có thể cung cấp giá cả cạnh tranh và linh hoạt cho từng phân khúc khách hàng. Nhờ vào danh mục sản phẩm đa dạng và dịch vụ khách hàng tốt sẽ thu hút ngày càng nhiều các DN hơn. “Không chỉ dành nguồn lực hỗ trợ cho các DN, đa phần các ngân hàng hiện nay còn chú trọng tới cải tiến, đơn giản hoá quy trình thủ tục để tạo điều kiện khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận tiện hơn, triển hai nhiều sản phẩm tài trợ chuỗi giá trị nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế…”, ông Lê cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện một NHTMCP cho biết, ưu tiên hàng đầu của nhà băng này là đầu tư cho các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng; cùng với đó phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng đa dạng và khác biệt, trong đó chiến lược hành động là dùng ngân hàng điện tử và kỹ thuật số để phục vụ lượng lớn khách hàng. “Hiện chúng tôi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ để phân tán rủi ro cũng như tối ưu hóa nguồn vốn. Việc gia tăng thị phần sẽ được thông qua đẩy mạnh khai thác hệ sinh thái khách hàng tiêu dùng Việt Nam, trọng tâm là thiết kế các sản phẩm như thế chấp, cho vay ô tô, thẻ tín dụng, CASA, bảo hiểm nhân thọ. Đồng thời tìm kiếm khách hàng thông qua phân tích Big Data, mở rộng hoạt động chuỗi cung ứng”, vị này cho hay.
Quả vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ không những giúp ngân hàng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động mà còn nhanh chóng mở rộng khách hàng, đặc biệt phát triển các sản phẩm dịch vụ trọn gói. Giới chuyên gia cũng cho rằng, nếu không đi cùng với công nghệ, thì tất cả sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đều sẽ không thể có sức cạnh tranh trong thời đại ngày nay. Bởi đơn giản, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ, các sản phẩm được cung cấp bởi ngân hàng số sẽ có sự khác biệt rất lớn so với ngân hàng truyền thống. “Khi dịch vụ số hoá được phổ biến hơn, ngân hàng càng có cơ hội tiếp cận sâu hơn với khách hàng, vì khi khách hàng vay vốn của ngân hàng, thì rất thuận tiện để nhà băng giới thiệu và quảng bá các sản phẩm dịch vụ đi kèm. Mà để thu hút và hấp dẫn khách hàng, thì buộc sản phẩm dịch vụ phải có sự thay đổi, hiện đại hơn, thuận tiện hơn. Không gì khác là toàn bộ sản phẩm dịch vụ được phân phối thông qua các kênh phân phối kỹ thuật số, hệ thống ứng dụng đa kênh, giao dịch và tương tác số sẽ là sản phẩm các ngân hàng cần đầu tư nhằm gia tăng trải nghiệm tối đa cho khách hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Nguồn: Minh Khôi – Thời báo ngân hàng