Phát triển công ty tài chính: “Bít” lỗ hổng tín dụng đen
Pham Thi Lan2016-02-01T10:54:58+00:00Phát triển công ty tài chính: “Bít” lỗ hổng “tín dụng đen”
Việc các Công ty tài chính tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng trong ngăn chặn nạn “tín dụng đen” hoành hành
Nhưng thực tế, các quy định về pháp lý đến nay vẫn chưa đầy đủ, ít nhiều đang ảnh hưởng tới sự phát triển của loại hình cho vay này.
Góp phần tích cực vào phát triển an sinh xã hội
Tại VN, vài năm trở lại đây, hoạt động cho vay tiêu dùng đã sớm ra đời và ngày càng được thúc đẩy. Điều này hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, bởi với số dân trên 90 triệu người là điều kiện vô cùng thuận lợi và là thị trường “khổng lồ” cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển. Nếu chỉ 1/9 dân số, tức là khoảng 10 triệu người vay tiêu dùng với mức bình quân 50 triệu đồng/năm thì tổng số tiền cho vay ra đã đạt mức 500.000 tỷ đồng/năm – một con số rất ấn tượng. Chính vì vậy, gần đây các Công ty tài chính phát triển khá mạnh mẽ, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển và người dân được tiếp cận và sử dụng, mua sắm các vật dụng hiện đại phục vụ cho cuộc sống ngày một chất lượng hơn.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hoạt động tín dụng của các Công ty tài chính tiêu dùng cũng quan trọng không kém gì so với ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, với các đối tượng có nhu cầu vay món nhỏ lẻ cho mục đích tiêu dùng nhanh… Lâu nay, với một số nhu cầu vay, ở một số khu vực mà hệ thống ngân hàng chưa vươn tới được, nhiều người dân vì nhu cầu nên bất chấp vay vốn ngoài hệ thống ngân hàng và sa vào bẫy “tín dụng đen”.
“Chính vì vậy, việc các Công ty tài chính tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng trong ngăn chặn nạn “tín dụng đen” hoành hành. Nếu chúng ta tạo điều kiện cho các Công ty tài chính được mở rộng mạng lưới ở các địa phương sẽ góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” của các Công ty này nhiều hơn nữa” – TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Trên thực tế, việc phát triển các Công ty tài chính tiêu dùng thời gian qua đã chứng minh rằng loại hình cho vay này có nhiều lợi thế cho nền kinh tế và người dân. Các Công ty tài chính thường đáp ứng các khoản vay nhỏ, đa dạng từ mức vài triệu đến vài chục triệu, trong khi các ngân hàng thương mại thường cho vay các khoản lớn. Vì vậy, loại hình cho vay này rất được người tiêu dùng yêu thích.
Hơn nữa, do đặc thù của loại hình Công ty tài chính không phải huy động vốn của người dân mà do huy động từ những nguồn khác nên các Công ty này cũng phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn như một ngân hàng. Tuy vậy, việc cho vay không phức tạp như ngân hàng mà rất linh hoạt giúp người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, nhất là thời gian xét duyệt nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp…
Thiếu hành lang pháp lý
Dù hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng đã chứng minh được những ưu điểm so với các loại hình cho vay khác, được nhiều người dân ủng hộ, song tín dụng tiêu dùng vẫn còn những “rào cản” trong quá trình phát triển.
Cụ thể, hiện nay, việc tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính đã được quy định khá cụ thể trong Luật Các TCTD năm 2010 và Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014 của Chính phủ. Nhưng, theo các chuyên gia, về lâu dài cần phải có thêm hành lang pháp lý để hỗ trợ phát triển. Chẳng hạn, không nên áp dụng trần lãi suất đối với tín dụng cho vay tiêu dùng mà thay vào đó, cần tập trung xây dựng thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh và hiệu quả dựa trên nguyên tắc công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, để thị trường vận động theo qui luật cung – cầu, song cũng cần nâng cao khả năng thanh tra giám sát tín dụng tiêu dùng phù hợp với những rủi ro đặc thù của thị trường này.
Đặc biệt, phải xây dựng khung pháp lý điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Trong đó, tách biệt với hệ thống quy định điều chỉnh đối với ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và có tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, cần có các chính sách phù hợp để giúp giảm chi phí đầu vào cho các khoản vay tiêu dùng… Theo đó, cần có cơ chế để giảm chi phí thu thập thông tin tín dụng khách hàng do lượng khách hàng của các Công ty tài chính là rất lớn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ để chuẩn hóa và cập nhật dữ liệu công dân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nói chung và Công ty tài chính tiêu dùng nói riêng.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng để thị trường cho vay tiêu dùng lành mạnh hơn, các Công ty tài chính cũng cần đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ tín dụng cho nhân viên và cộng tác viên; phát triển nhiều sản phẩm – dịch vụ tiêu dùng đáp ứng tốt hơn nhu cầu người vay. Ngoài ra, cần mở rộng kênh phân phối và phát triển các điểm hỗ trợ bán hàng, hoàn thiện quy trình tín dụng với tôn chỉ đơn giản và giải ngân nhanh chóng nhưng vẫn phải đề cao vai trò của quản trị rủi ro; kiểm soát rủi ro tín dụng và có cơ chế thu nợ phù hợp…
( trích nhipsongkinhdoanh)