Sẽ bổ sung quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Dự thảo Thông tư quy định hệ thống kiểm soát nội bộ gồm các cấu phần: Kiểm soát nội bộ bao gồm hoạt động kiểm soát nội bộ, hệ thống thông tin quản lý và cơ chế trao đổi thông tin; Quản lý rủi ro bao gồm nhận dạng, đo lường, theo dõi, báo cáo và kiểm soát rủi ro đối với rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động; Kiểm toán nội bộ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Để có đủ cơ sở pháp lý cho quy định về kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo Thông tư quy định kiểm toán nội bộ là nội dung của hệ thống kiểm kiểm soát nội bộ (KSNB), đây là điểm khác so với quy định riêng về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ tại Thông tư 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 44).
Do đó, yêu cầu về hệ thống kiểm soát nội bộ tại dự thảo Thông tư thay thế rộng hơn, bao quát hơn Thông tư 44.
Những nguyên tắc và yêu cầu cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 44 được quy định (theo hướng tập trung và gọn hơn) tại Chương về KSNB tại dự thảo Thông tư. Trong đó, dự thảo Thông tư bổ sung quy định yêu cầu cụ thể đối với KSNB, nguyên tắc kiểm soát đối với hoạt động của KSNB.
Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về hoạt động KSNB đối với hoạt động cấp tín dụng; bổ sung quy định cụ thể hơn về yêu cầu hệ thống thông tin quản lý, và cơ chế trao đổi thông tin (bao gồm hệ thống các báo cáo nội bộ của TCTD phi ngân hàng); quy định về lưu trữ tài liệu đối với hệ thống KSNB; bổ sung làm rõ hơn quy định về việc báo cáo NHNN về hệ thống KSNB.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư bổ sung, quy định cụ thể Chương III về quản lý rủi ro. Theo ban soạn thảo thì quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hệ thống các TCTD (đặc biệt trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu), nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ trong công tác kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, kiểm toán nội bộ của TCTD phi ngân hàng theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, giúp ngăn ngừa và cảnh báo rủi ro; góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát của NHNN đối với các TCTD phi ngân hàng nhằm giảm bớt các sai phạm, khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, thống nhất, kết nối với 2 nội dung quan trọng khác tại dự thảo Thông tư thay thế là KSNB và kiểm toán nội bộ (KTNB) và phù hợp với quy định tại Thông tư 44.
Quy định cụ thể các yêu cầu về quản lý rủi ro tín dụng
Hoạt động chủ yếu của TCTD phi ngân hàng là hoạt động tín dụng, đặc biệt, với đặc thù của hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính là cung cấp những khoản vay giá trị vay nhỏ cho các khách hàng thu nhập thấp-trung bình, do vậy, rủi ro tín dụng cao. Vì vậy, việc dự thảo Thông tư quy định cụ thể các yêu cầu về quản lý rủi ro tín dụng đối với TCTD phi ngân hàng là rất cần thiết.
Trên cơ sở áp dụng chuẩn mực quản lý rủi ro tín dụng, dự thảo Thông tư cũng quy định về quản lý rủi ro tín dụng gồm các nội dung quản lý rủi ro như: Chiến lược quản lý rủi ro tín dụng, hạn mức rủi ro tín dụng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng, thẩm định cấp tín dụng, phê duyệt quyết định có rủi ro tín dụng, quản lý tín dụng, quản lý khoản cấp tín dụng có vấn đề, quản lý tài sản bảo đảm phù hợp với các văn bản quy định liên quan hoạt động cấp tín dụng của NHNN (Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NHNNg đối với khách hàng, Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính, Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg…).
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc Thông tư 44, tham khảo Thông tư 13 (đã được sửa đổi, bổ sung), dự thảo quy định về các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ (nguyên tắc độc lập, khách quan và chuyên nghiệp); cơ chế phối hợp giữa HĐQT, HĐTV, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và BKS, bộ phận kiểm toán nội bộ; quy định về tiêu chuẩn đối với thành viên Ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của thành viên Ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ; quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ.
Tuy nhiên đối với kiểm toán viên công nghệ thông tin, so với Thông tư 44, dự thảo Thông tư quy định theo hướng: 1) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng có từ 10.000 khách hàng giao dịch điện tử trở lên phải có kiểm toán viên công nghệ thông tin. 2) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng không phải tổ chức tín dụng quy định điểm c (i) Khoản này căn cứ vào quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh để quyết định: Bộ phận kiểm toán nội bộ có kiểm toán viên nội bộ để thực hiện kiểm toán công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hoặc; Thuê kiểm toán viên bên ngoài thực hiện kiểm toán công nghệ thông tin hoặc; Hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện kiểm toán công nghệ thông tin từ chủ sở hữu.
Nguồn: Thời báo ngân hàng