Tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng
Tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng
“Thanh khoản càng tốt càng không được chủ quan. Và vẫn phải kiểm soát chặt chất lượng, không hạ chuẩn tín dụng”, lãnh đạo một NH khuyến cáo.
Làm chuồng trước khi… mất bò
Gần đây, NHNN Việt Nam liên tục ban hành công văn tăng cường kiểm soát trong hoạt động cấp tín dụng. Tại Công văn số 6373/NHNN – TTGSNH yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Cơ quan Thanh tra, giám sát NH kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.
NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện mở rộng tín dụng đối với khách hàng song phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao năm 2016; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, hạn chế cấp tín dụng vượt giới hạn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại Công văn 6395/NHNN – TD có nội dung yêu cầu các TCTD tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Từ đầu năm đến nay đây là lần thứ ba NHNN “nhắc nhở” các TCTD trong đầu tư cho vay đối với lĩnh vực này.
Nhận định về động thái chính sách trên, có ý kiến cho rằng, trong hoạt động kinh doanh khó tránh được rủi ro, vì thế việc thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có dư nợ lớn là cần thiết, để hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, lý do NHNN liên tiếp ban hành văn bản cảnh báo rủi ro tín dụng có thể không phải vì tăng trưởng tín dụng cao. Theo ông Tùng, so với năm ngoái, mức tăng trưởng tín dụng của năm nay tăng không đáng kể. Chưa kể, hiện tín dụng đang có dấu hiệu chững lại. Song cũng không loại trừ khả năng có hiện tượng một số NH cho vay tập trung vào những dự án lớn.
Quan sát ở góc độ toàn hệ thống, NHNN nhận thấy xu hướng, cơ cấu tín dụng của một số NH chưa hợp lý cần phải cảnh báo. Đặc biệt là tín dụng trung, dài hạn, BOT, bất động sản. Với vai trò quản lý nhà nước, NHNN thấy cần thiết phải ban hành văn bản chấn chỉnh để tín dụng đi đúng hướng, tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Không hạ chuẩn tín dụng đối với bất kỳ lĩnh vực nào
Tại sao NHNN lại tỏ ra thận trọng đối với lĩnh vực BOT, BT giao thông như vậy. Ai cũng biết, nhu cầu vốn đầu tư vào lĩnh vực này khá lớn. Thường thời hạn cho vay dài hạn từ 5 – 10 năm và để đảm bảo đầu tư hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố. Ngoài năng lực kinh nghiệm thi công, quản lý dự án… thì yêu cầu năng lực về tài chính khi tham gia cũng rất quan trọng.
Về phía NH phải làm sao cân đối quản trị nguồn vốn huy động để đầu tư cho phù hợp, đảm bảo an toàn thanh khoản. “Cũng bởi dự án BOT, BT giao thông thời hạn cho vay dài nên các NH phải thận trọng để lựa chọn những dự án tốt. Mặt khác trong quá trình cho vay phải giám sát chặt chẽ để có biện pháp quản trị dự án, phòng ngừa rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường…”, Tổng giám đốc một NHTM lớn chia sẻ.
Mặc dù động thái hạn chế cấp tín dụng đối với BOT, BT ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN mình, nhưng Giám đốc Công ty TNHH chuyên về sản xuất vật liệu thừa nhận có những bất cập đối với lĩnh vực này.
Thời gian qua khá nhiều chủ đầu tư các dự án về giao thông hoạt động không minh bạch. Năng lực tài chính yếu, dựa vào “quan hệ” để trúng thầu dự án. Thậm chí có những đoạn đường chủ đầu tư không có đồng vốn nào nhưng nhờ vào mối quan hệ nhất định vẫn được làm.
Vì thế, vị này cũng đồng tình với quyết định của các NH và đề xuất Chính phủ, NH nên có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với vốn đầu tư cho các dự án BOT, BT giao thông. Không chỉ về năng lực nhà thầu, ngay cả chính sách thu phí cũng cần quan tâm để đảm bảo chủ đầu tư hoàn vốn vay đúng hạn.
Chính vì vậy, tại Công văn 6395, NHNN lưu ý các TCTD cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các bộ có liên quan. Đồng thời, NHNN yêu cầu các NH đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn.
Tất nhiên không phải là tất cả các nhà thầu năng lực đều kém. Theo lãnh đạo NHTM lớn, NHNN cảnh báo để các thẩm định chặt chẽ, nâng cao điều kiện tín dụng, lựa chọn dự án tốt. Những dự án khả thi, nhà đầu tư có năng lực thì NH vẫn xem xét cho vay chứ không phải “đóng cửa” hoàn toàn.
Đối với các dự án NH đã cho vay thì vẫn tiếp tục phải giải ngân theo đúng cam kết, nhưng sẽ phải quản lý chặt chẽ hơn. “Những lưu ý thận trọng trong quản lý dự án BOT, BT giao thông là rất cần thiết để tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả”, vị này nhấn mạnh.
Không chỉ đối với lĩnh vực trên, mà tất cả các lĩnh vực khác, NH đều phải chú trọng chất lượng tín dụng. Nhất là thời điểm thanh khoản đang khá dồi dào như hiện tại thì càng phải chặt chẽ khi cho vay vốn. “Thanh khoản càng tốt càng không được chủ quan. Và vẫn phải kiểm soát chặt chất lượng, không hạ chuẩn tín dụng”, lãnh đạo một NH khuyến cáo. Đó cũng là lý do, tuy nhiều NH xin phép được nới room tín dụng, nhưng đến thời điểm này NHNN chưa chấp thuận cho bất cứ NHTM nào được vượt chỉ tiêu tín dụng.
( trích thoibaonganhang)