NHNN Chi nhánh Sơn La: Đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần phát triển kinh tế

NHNN Chi nhánh Sơn La: Đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần phát triển kinh tế

Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh

Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. 10 năm qua hệ thống ngân hàng Sơn La đã thực hiện tốt công tác huy động vốn, tăng trưởng tín dụng đạt được mục tiêu chung của ngành Ngân hàng; ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DNNVV, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế tập thể, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đến hết ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 22.603 tỷ đồng, tăng 461% so với năm 2010. Như vậy trong 10 năm, huy động vốn của các TCTD trên địa bàn tăng gấp 5,61 lần.

Dưới sự chỉ đạo của NHNN chi nhánh tỉnh Sơn La, các TCTD trên địa bàn cũng đã tăng cường kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN Việt Nam và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong từng năm. Dư nợ cho vay đến hết ngày 31/12/2020 đạt 41.435 tỷ đồng, tăng 390% so với năm 2010. Trong 10 năm qua, dư nợ cho vay của ngành Ngân hàng trên địa bàn tăng 4,9 lần, bình quân dư nợ tăng thêm hàng năm 3.297 tỷ đồng, đây là nguồn vốn quan trọng và ổn định góp phần hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, chất lượng tín dụng được đảm bảo, đến 31/12/2020, nợ xấu nội bảng là 264 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,64% tổng dư nợ, thấp hơn mức quy định của NHNN Việt Nam.

Hoạt động của các TCTD trên địa bàn cơ bản đã thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, đảm bảo an toàn tài chính hoạt động của các TCTD. Thông qua hoạt động giám sát của NHNN cho thấy: Thị trường tiền tệ trên địa bàn ổn định, không có diễn biến phức tạp, chưa phát hiện hành vi vi phạm trong việc thực hiện lãi suất và thu phí.

Trong những năm qua, hệ thống ngân hàng Sơn La đã chủ động thực hiện tốt việc hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh như đối với đợt rét đậm rét hại năm 2016 các TCTD đã giảm lãi tiền vay cho 12 khách hàng, số tiền 14,8 triệu đồng; xử lý rủi ro cho 9 khách hàng, số tiền 360 triệu đồng; gia hạn nợ 68 khách hàng, số tiền 1.951 triệu đồng; khoanh nợ cho 759 khách hàng, số tiền 19.322 triệu đồng. Trong đợt mưa lũ năm 2017, ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng đã áp dụng các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại như: Agribank chi nhánh Sơn La đã cho vay để phục hồi sản xuất kinh doanh 17.280 triệu đồng với 284 khách hàng; NHCSXH thực hiện khoanh nợ 245 triệu đồng, xóa nợ 217 triệu đồng, cho vay khắc phục hậu quả thiên tai 4.788 triệu đồng cho 227 khách hàng…

Mới đây nhất, hệ thống ngân hàng Sơn La cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính đến 31/5/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho 626 khách hàng, với dư nợ 4.225 tỷ đồng. Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất kinh doanh là 4.100 tỷ đồng. NHCSXH cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc là 169 triệu đồng (5 doanh nghiệp, 37 lao động bị ngừng việc). Hạ lãi suất cho vay từ 0,2%-4,5%/năm đối với các khoản vay cũ cho khách hàng. Áp dụng lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới thấp hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 từ 0,5%-4,0%/năm tùy theo thời hạn cho vay, đối tượng khách hàng vay và lĩnh vực vay vốn. Ngoài ra, các TCTD đã đồng loạt giảm các phí dịch vụ thanh toán, một số TCTD đã miễn một số loại phí dịch vụ thanh toán…

Đi đầu trong các chương trình tín dụng trọng điểm

Cùng với đó, ngành Ngân hàng Sơn La đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hệ thống ngân hàng đã tập trung cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, đảm bảo 100% khách hàng đủ điều kiện vay vốn và có nhu cầu vay đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; chủ động hỗ trợ khách hàng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa TCTD và khách hàng vay vốn trên địa bàn.

Đến 31/5/2021, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 23.061 tỷ đồng, chiếm 62,76% tổng dư nợ, Trong đó, dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 294 tỷ đồng, tăng 61 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có tốc độ tăng cao nhất trong 14 tỉnh trung du miền núi phía bắc và dư nợ cho vay cao đứng thứ 3 sau Bắc Giang và Phú Thọ. Các TCTD trên địa bàn đã chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đến 31/5/2021, dư nợ cho vay đối với Chương trình đạt 15.301 tỷ đồng, tăng 1.389 tỷ đồng so với năm 2020 (+9,98%).

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng là nguồn quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn của tỉnh. Trong 10 năm qua, nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng tỉnh Sơn La để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 28.857 tỷ đồng. Nguồn vốn của ngành Ngân hàng cho vay góp phần thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2020 đạt 13.912 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, NHNN tỉnh và các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Qua các buổi làm việc, nguồn vốn của ngành Ngân hàng đã được khơi thông. Tính đến 31/5/2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp là 17.385 tỷ đồng, tăng 1.386 tỷ đồng so với 31/12/2020, tốc độ tăng 8,66%. Trong đó, dư nợ cho vay đối với DNNVV là 10.625 tỷ đồng, chiếm 61,12% dư nợ cho vay doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đang vay vốn còn dư nợ tại các ngân hàng là 610 doanh nghiệp, trong đó có 551 DNNVV.

Trong những năm qua ngành Ngân hàng Sơn La cũng đã chủ động, đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống và góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã tác động tích cực đến một bộ phận lớn người nghèo, hộ chính sách, vùng nghèo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân, ngoài ra còn đóng góp trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Sơn La Trịnh Công Văn, chia sẻ trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Sơn La tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng đối với DNNVV; thực hiện nhiệm vụ ngành Ngân hàng đối với kinh tế tập thể và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tín dụng xanh góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tăng cường bảo vệ môi trường. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng trên địa bàn.

Để làm được điều đó, NHNN chi nhánh Sơn La đề nghị Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao đối với lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn. Về phía NHNN tỉnh, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các TCTD trên địa bàn, kể cả về công tác nhân sự; kịp thời phản ánh về những vấn đề như: Vi phạm quy định trong hoạt động của các TCTD; vi phạm pháp luật của cán bộ, nhân viên các TCTD; những dư luận trái chiều; những khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng… Qua đó để NHNN tỉnh kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Thống đốc NHNN về các biện pháp quản lý hoạt động của TCTD và xử lý các khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Trong 10 năm qua (2011-2020), ngành Ngân hàng Sơn La đã tích cực tham gia đóng góp các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị 425 tỷ đồng để xây dựng 50 công trình có giá trị lớn (như trường học, bệnh viện, cầu, công trình văn hóa…); 810 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; ủng hộ hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh… Tiêu biểu là VietinBank, Agribank và BIDV chi nhánh Sơn La… Trong 5 tháng đầu năm 2021, ngành Ngân hàng Sơn La tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn với giá trị trên 70 tỷ đồng, để xây dựng các công trình, đóng góp ủng hộ phòng chống Covid-19 và các quỹ xã hội từ thiện khác…

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguồn: Thanh Thủy – Cao Sơn – Thời báo ngân hàng

Share this post