Vai trò của gói hỗ trợ mua nhà ở 30 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành

Vai trò của gói hỗ trợ mua nhà ở 30 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành

Vai trò của gói hỗ trợ mua nhà ở 30 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành

Tiền ở gói hỗ trợ này là tiền thuế của nhiều người khác đóng vào, nên điều gì cũng có giới hạn. Không thể đòi hỏi tất cả người dân khác phải đóng góp vào để cho một nhóm người vay được hưởng.

Ông Nguyễn Đức Kiên

                            Ông Nguyễn Đức Kiên

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu đoàn Sóc Trăng đánh giá cao nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ mua nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, ông cho biết:

Cho vay hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng là chương trình lớn của Chính phủ.

Tôi được biết trong quá trình triển khai thực hiện, NHNN và các ngân hàng đã thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại đã có văn bản hướng dẫn cụ thể và thông báo đến tận khách hàng, trong đó quy định rõ thời điểm áp dụng giải ngân, áp dụng mức lãi suất cho khách hàng. Tức là chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay được giải ngân trước ngày 1/6/2016, các khoản vay giải ngân sau đó sẽ áp dụng theo lãi suất thỏa thuận.

Nhưng với những trường hợp đã ký hợp đồng và khoản vay đã được giải ngân một phần, nếu vay thương mại lãi suất sẽ cao và khả năng tiếp tục mua nhà sẽ rất khó khăn?

Chúng ta cũng cần phải đặt lại vấn đề tại sao họ không tìm các dự án tốt, có tốc độ giải ngân nhanh để được hưởng ưu đãi từ gói vay này sớm hơn, thay vì đến thời điểm cuối cùng mới lo. Người mua nhà phải có trách nhiệm với gói vay của mình, Nhà nước không thể lo cho người dân như thời bao cấp được.

Chúng ta cần hiểu rằng, Chương trình hỗ trợ cho vay nhà ở 30 nghìn tỷ đồng được thiết kế khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%. Chính phủ chỉ đạo ngân hàng nhà nước thông qua gói hỗ trợ kích cầu để kích vào thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp để khơi thông “cục máu đông” trong nền kinh tế.

Đến nay, gói 30 nghìn tỷ đồng sắp hết thời hạn, thị trường bất động sản cũng đã ấm dần lên. Như vậy, vai trò của gói hỗ trợ xem như đã hoàn thành.

Thị trường bất động sản đang ấm dần lên

                               Thị trường bất động sản đang ấm dần lên

Nhưng cử tri và người dân vẫn mong muốn được gia hạn thêm thời gian, ý kiến của ông?

Có ý kiến cho rằng, với mức thu nhập của người dân còn thấp, nên nhiều người muốn kéo dài gói vay này. Tôi cho rằng, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thì cũng không nên cứ đòi Nhà nước phải bao cấp mãi như thế.

Mong muốn mang lại lợi ích cho mình là tốt nhưng không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến lợi ích của chung cả nước. Gói đó phải đặt trong tổng thể nền kinh tế vĩ mô chứ không thể vì một nhóm lợi ích trong thị trường bất động sản để Nhà nước phải tung ra một gói mới hoặc kéo dài hiệu lực, gây ra bất ổn về vĩ mô. Còn với người lao động nghèo, họ có thể thuê nhà ở xã hội.

Hiến pháp 2013 cũng đã quy định, có 1 khâu đột phá là Nhà nước đảm bảo quyền có chỗ ở cho người dân chứ không phải đảm bảo quyền sở hữu nhà ở cho người dân.

Khi người dân đã mua, hợp đồng đã ký, họ cần phải biết đến thời hạn của khoản vay là bao nhiêu, phải có trách nhiệm với đồng tiền của họ, phải thảo luận hợp đồng bán nhà với người bán và người bán cũng phải chia sẻ lợi nhuận, lãi suất với người mua chứ không phải dồn tất cả chi phí cho Nhà nước.

Tiền ở gói hỗ trợ này là tiền thuế của nhiều người khác đóng vào, nên điều gì cũng có giới hạn. Không thể đòi hỏi tất cả người dân khác phải đóng góp vào để cho một nhóm người vay được hưởng.

Chủ đầu tư muốn bán được sản phẩm của mình phải chấp nhận chia sẻ khó khăn của thị trường với người mua chứ không phải đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

(theo thoibaonganhang)

Share this post