Quỹ tín dụng nhân dân: Một số khúc mắc cần sớm được tháo gỡ

Quỹ tín dụng nhân dân: Một số khúc mắc cần sớm được tháo gỡ

Gần 30 năm phát triển, mô hình quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tạo ra thặng dư cho các thành viên và người dân vay vốn, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương…

Chính vì thế, mô hình QTDND đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, điều này được thể hiện qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của mô hình hợp tác xã từ các văn bản luật đến các nghị quyết của Đảng để nâng cao hiệu quả mô hình, như Chỉ thị số 57/CT-TW “về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND” năm 2000; gần đây nhất là Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND”.

Kết quả của việc thực hiện Chỉ thị 06, Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đang góp phần đưa hệ thống QTDND ngày càng hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, mô hình hợp tác xã nói chung và QTDND nói riêng có những đặc thù so với các mô hình tổ chức khác, như quy mô tổ chức nhỏ chỉ hoạt động trong phạm vi một xã, phường hay liên xã, liên phường tiếp giáp với trụ sở chính của quỹ. Nhưng, số lượng trên cả nước lên đến 1.182 quỹ, hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với số vốn điều lệ đang dao động ở mức 4,713 nghìn tỷ đồng và 1,712 triệu thành viên, cho thấy đối với những QTDND nhỏ thì số lượng thành viên cũng phải 1 nghìn, QTDND lớn lên đến 10 nghìn thành viên.

Theo quy định tại khoản 1 điều 26, điều 28, điều 30 của Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/03/2015, và Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Thông tư 04/2015/TT-NHNN, khách hàng muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại QTDND phải tham gia là thành viên và góp vốn xác lập tư cách thành viên mức tối thiểu 300.000 đồng, mức vốn góp bổ sung của thành viên QTDND thực hiện theo quy định tại Điều lệ của QTDND,…

Ngoài ra, thành viên khi hoàn thành các nghĩa vụ nợ với QTDND và không có nhu cầu sử dụng tiếp các dịch vụ tại QTDND có thể xin hoàn trả lại vốn góp. Điều này dẫn đến vốn điều lệ của QTDND luôn biến động trong một năm với biên độ biến động rất nhỏ, không làm thay đổi đáng kể quy mô về vốn.

Tham chiếu khoản 2 Điều 60 Luật Hợp tác xã năm 2012 có nêu “Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã”. Tại khoản 1 Điều 11 của Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT ngày 8/4/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hợp tác xã có thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật thì hợp tác xã phải đăng ký với cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính”.

Trên thực tế, việc thay đổi giấy phép kinh doanh do thay đổi vốn điều lệ ở các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần rất ít khi phát sinh do các doanh nghiệp đã xác định quy mô hoạt động từ khi thành lập. Riêng đối với mô hình hợp tác xã nói chung, các QTDND nói riêng thì việc thay đổi này diễn ra hàng năm.

Từ đó, các QTDND đề nghị các cơ quan chức năng đưa ra biên độ thay đổi vốn điều lệ dẫn đến đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã, nhằm giảm các thủ tục hành chính và để phù hợp với quy mô, hoạt động của QTDND hiện nay.

Căn cứ khoản 2, khoản 3 điều 10 và tại điểm d, khoản 1, điều 25 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính “hướng dẫn tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn”, hằng năm khi QTDND hoàn thành nghĩa vụ thuế, trích lập các quỹ, đại hội thành viên của QTDND sẽ quyết định mức chi lãi cho các thành viên tham gia góp vốn căn cứ vào tổng mức góp vốn, mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên và phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với thành viên góp vốn nhằm mục đích để sử dụng các dịch vụ tại QTDND thì bình quân số lãi một thành viên nhận được từ vốn góp dao động khoảng 30.000 đồng – 100.000 đồng/người/năm, QTDND trích lại 5% từ số lãi để đóng thuế thu nhập cho các thành viên. Vì vậy, số tiền thuế thu nhập cá nhân từ vốn góp xác lập tư cách thành viên cho của các QTDND đóng góp vào Ngân sách Nhà nước là rất nhỏ.

Theo quy định Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, việc triển khai quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử thực hiện từ ngày 1/7/2022 đã có quy định miễn thuế, giảm thuế “cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống”.

Vì vậy, đề nghị bỏ quy định đóng thuế thu nhập cá nhân cho thu nhập trả lãi vốn góp xác lập tư cách thành viên, vì điều này làm ảnh hưởng không tốt về tâm lý của các thành viên, khách hàng sẽ do dự khi quyết định trở thành thành viên của QTDND; ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu “Tài chính toàn diện” của Chính phủ đã cam kết với các tổ chức quốc tế và dẫn đến nguy cơ làm sụt giảm vốn điều lệ của các QTDND.

Nguồn: Nam Sơn – Thời báo ngân hàng

Share this post