Vay tín chấp, gửi tín nhiệm
Vay tín chấp, gửi tín nhiệm
Để được vay tín chấp, DN phải tốt hơn về năng lực quản trị điều hành; minh bạch, rõ ràng hơn trong quản lý tài chính.
NH vẫn “thích” cá nhân
Vay tín chấp không còn là câu chuyện mới trên thị trường tài chính Việt Nam. Những năm trở lại đây, sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp trở nên gần gũi với người dân hơn. Kể cả với những đối tượng người thu nhập trung bình, thấp trước đây vốn nghĩ rằng “không có cửa” để vay NH thì nay cũng đã có thể tiếp cận được dòng tiền phục vụ cho nhu cầu cá nhân như: mua nhà, mua xe…
Nhiều NHTM xác định chính những sản phẩm, dịch vụ bán lẻ sẽ đem lại lợi nhuận dồi dào cho nhà băng. Các NHTM tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng, sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu và rộng rãi cho người tiêu dùng.
Năm 2015, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đạt khoảng 20% đã phần nào cho thấy nhu cầu của khách hàng và cơ hội của NH ở phân khúc khách hàng cá nhân. Số lượng khách hàng cá nhân tìm tới NH vay ngày một nhiều thêm.
Với khách hàng cá nhân, bản thân họ cũng cảm thấy được giải toả khi những nhu cầu mua sắm sản phẩm thiết yếu trước đây gần như không vay được NH, phải tìm tới tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Thì nay, với việc khuyến khích và đẩy mạnh vay tiêu dùng qua hình thức vay tín chấp đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau.
Đặc biệt nhận thức của người dân về vay tiêu dùng cá nhân cũng đã được thay đổi. Họ cũng không còn ngần ngại và quá đắn đo khi tìm tới NH để vay tiền như trước đây. Ngay cả những người trẻ chưa có nhiều tích luỹ hay người có thu nhập thấp cũng vay để chi tiêu trước, trả tiền sau.
Cửa chưa rộng cho DN
Khác với khách hàng cá nhân, cho vay tín chấp đối với DN có thể khiến cán bộ tín dụng nhanh chóng đạt chỉ tiêu hơn. Thế nhưng độ rủi ro trong cho vay tín chấp ở phân khúc khách hàng này lại cao hơn. Đồng ý là khẩu vị rủi ro của mỗi NHTM là khác nhau. Nhưng phần nhiều NHTM dường như vẫn “bên trọng, bên khinh”, chưa cởi bỏ được khắt khe với việc cho DN vay tín chấp.
Ông Võ Anh Tú, Tổng giám đốc một DN Logistics cho biết: DN dường như vẫn khó được NHTM chấp thuận cho vay tín chấp vì vướng mắc trong việc xác định và thẩm định tài sản thế chấp.
“Với những DN nhỏ như chúng tôi, việc vay vốn sản xuất dựa trên tài sản bảo đảm còn khó khăn. Mà vay tín chấp thì NHTM lại không an tâm để giải ngân. Nên trong thời gian tới, rất mong muốn NHTM có những quy định rõ ràng, tạo điều kiện hơn để đối tượng DNNVV, thậm chí siêu nhỏ cũng được tiếp cận nguồn vốn từ vay tín chấp”, ông Tú cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – NH cho rằng, câu chuyện NHTM có phần ưu ái hơn với cá nhân trong cho vay tín chấp là chuyện không có gì ngạc nhiên cả. Vì là cho vay những khoản lớn hơn thì đồng nghĩa với cộng thêm rủi ro. NHTM sẽ có sự cân nhắc chênh lệch rủi ro giữa cá nhân và DN. Và tất yếu việc thẩm định, kiểm tra năng lực tài chính hay quy trách nhiệm trong trường hợp có xảy ra rủi ro với cá nhân sẽ bớt phức tạp hơn với DN.
Ở đây, vấn đề là NH có mạnh dạn để tiếp cận với những DN có quy mô hạn chế, hay nói cách khác là những DN siêu nhỏ để quyết định cho vay tín chấp hay không. Tính toán và so sánh rủi ro giữa cá nhân và DN trong cho vay tín chấp là điều cần thiết, nhưng ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có người đi tiên phong.
Hiện nay, mới chỉ có VPBank và Maritime Bank là hai đơn vị có loại hình tín chấp cho DN. Với Martime Bank cho vay với những DN có doanh thu tối thiểu 20 tỷ đồng/năm. Còn theo đại diện VPBank, NH cho vay tín chấp DN với hạn mức tín dụng tối đa là 5 tỷ đồng/năm.
Có lẽ, các NHTM không nên vì ngần ngại mà tránh cho vay tín chấp với DN, bởi nếu như vậy thì cơ hội từ phân khúc thị trường này sẽ bị bỏ qua, NHTM khó tìm được sự đột phá khi chỉ quẩn quanh cho vay các DN có tài sản bảo đảm. Và như vậy mục đích hỗ trợ nhiều hơn cho các DNNVV mở rộng sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và NHNN sẽ khó đạt được như kỳ vọng.
Lãnh đạo một NHTM cho rằng, nhìn ở góc độ khác, trước khi đòi hỏi NHTM mở rộng các điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay hay có những sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đối tượng này thì DN phải tự hoàn thiện mình về năng lực quản trị điều hành; minh bạch, rõ ràng hơn trong quản lý tài chính; nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Điều NHTM băn khoăn nhất là tính minh bạch của DN. Dòng tiền của mỗi DN sẽ được quản lý ra sao, quay vòng vốn như thế nào?…
Nếu DN có hoạt động kinh doanh hiệu quả, thì phải thể hiện một cách rõ ràng nhất trong báo cáo tài chính. Điều này sẽ nâng cao xếp hạng tín nhiệm của đơn vị mình, từ đó NHTM sẽ có cơ sở để tin tưởng trong thẩm định giải ngân cho DN vay tín chấp. “Cả phía NHTM cũng như DN đều cần xác định mối quan hệ đối tác, cộng tác về lâu dài lẫn nhau mới mong có được hiệu quả tốt nhất”, vị này cho biết thêm.
(theo thoibaonganhang)