Biến số lớn nhất trong chính sách tiền tệ
Biến số lớn nhất trong chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng để kích thích kinh tế tăng trưởng. Đâu sẽ là biến số lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong sáu tháng cuối năm 2016?
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2016 tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quí 1 tăng 5,48% và quí 2 tăng 5,55%. Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2016 là 6,7% thì GDP trong sáu tháng cuối năm phải tăng trưởng tới khoảng 7,6%.
Tại cuộc họp thường kỳ trong tháng 6-2016, Chính phủ vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sẽ trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.
Trong khi trước đó, Chính phủ đã yêu cầu NHNN đẩy mạnh cung tiền cho nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời không trung hòa (hút về) thông qua việc phát hành tín phiếu trên thị trường mở (OMO), với hy vọng nền kinh tế sẽ hấp thụ tốt nguồn vốn này qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Cụ thể, NHNN đã mua ròng được khoảng 8 tỉ đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm. Do tốc độ quay vòng của tiền đồng nhanh hơn so với đô la Mỹ nên tính đến thời điểm ngày 20-6-2016, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thì tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,07% so với cuối năm 2015, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,09% cùng kỳ năm 2015; huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 8,23%, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,58% của cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 6,2%, tương đương với mức tăng 6,28% của năm 2015.
Tỷ giá sẽ dao động trong biên độ hẹp
Kịch bản về khả năng tỷ giá sẽ tăng 4-5% trong năm 2016 như dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế được đưa ra từ hồi đầu năm 2016 sẽ rất khó có khả năng xảy ra. Có bốn nguyên nhân chính để hỗ trợ cho nhận định trên.
Thứ nhất, với việc nền kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực sau sự kiện Brexit tại Anh thì nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải lùi thời hạn tăng lãi suất sang năm 2017, thậm chí có thể chuyển sang đầu năm 2018. Do đó, sức ép giảm giá của tiền đồng (VND) so với đô la Mỹ (USD) sẽ giảm xuống.
Thứ hai, NHNN đã mua vào được một lượng lớn ngoại tệ từ đầu năm, do đó nếu không có những cú sốc tương tự như việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) diễn ra vào tháng 8-2015 thì NHNN sẽ có đủ nguồn lực để can thiệp, bình ổn khi tỷ giá có biến động.
Thứ ba, tín dụng bằng ngoại tệ tính đến ngày 24-6-2016 giảm tới 4,64% so với cuối năm 2015. Do đó, áp lực về cầu ngoại tệ trong những tháng cuối năm là không lớn ngay cả khi NHNN đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu được vay vốn bằng ngoại tệ trở lại từ tháng 6-2016.
Lãi suất chịu nhiều áp lực tăng trong thời gian tớiThứ tư, trong số tám đồng tiền được sử dụng làm tham chiếu xác định giá trị VND thì ngoại trừ GBP (đồng bảng của Anh) và CNY giảm giá thì sáu đồng tiền còn lại đều tăng giá mạnh so với USD như JPY (đồng yen của Nhật) tăng 18,4%, MYR (ringgit của Malaysia) tăng 5,1%, IDR (rupiah của Indonesia) tăng 3%, THB (baht của Thái Lan) tăng 2% và EUR (của EU) tăng 1,4% thì VND chỉ tăng 0,7%. Do vậy, hàng hóa của Việt Nam vẫn đang có được lợi thế cạnh tranh tương đối so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay là cơ sở cho thấy thanh khoản của toàn hệ thống đang tạm thời ở trạng thái dư thừa. Kết quả này có được là do NHNN hiện mới chỉ trung hòa (hút tiền) một phần, khoảng hơn 20.000 tỉ đồng trong tổng số hơn 170.000 tỉ đồng được dùng để mua ngoại tệ từ đầu năm. Do vậy, lãi suất huy động trên thị trường 1 được các ngân hàng duy trì ổn định quanh mức 5%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm (overnight) hiện chỉ duy trì quanh mức 0,7-0,9%/năm. Đây được xem là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay.
Bên cạnh khối lượng tiền được NHNN bơm thông qua việc mua ngoại tệ thì với việc tăng trưởng huy động cao hơn tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 cũng cho thấy một lượng lớn tiền trước đây lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng thì hiện nay đã được chuyển vào hệ thống ngân hàng thông qua hình thức tiền gửi. Điều này có thể cho thấy hoạt động kinh doanh của người dân đang đối mặt với nhiều thách thức nên buộc họ phải chuyển sang kênh tiền gửi tiết kiệm. Ngoài ra, nguồn vốn FDI giải ngân tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng như diễn biến của năm 2015 cũng là một kênh góp đẩy cung tiền trong nền kinh tế tăng cao hơn so với cùng kỳ của nhiều năm trước.
Tuy nhiên, diễn biến của lãi suất lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong thời gian tới.
Lạm phát đang là biến số lớn nhất
Quyết định tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang đặt NHNN vào vị trí chịu rất nhiều áp lực khi vừa phải đảm bảo cho sự ổn định cho tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp và kiểm soát lạm phát. Chỉ số CPI tính đến hết tháng 6-2016 đã ở mức 2,35% so với cuối năm 2015 và mức tăng được dự báo sẽ cao hơn trong những tháng tới do tác động của cung tiền ở mức cao với độ trễ khoảng sáu tháng.
Việc nền kinh tế không hấp thụ hết khối tiền được NHNN bơm ra đã buộc các TCTD phải đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Nguồn vốn này sẽ chủ yếu được đầu tư vào các dự án công, các công trình phúc lợi xã hội mà không trực tiếp sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, lạm phát có xu hướng tăng lên là tất yếu khách quan. Lạm phát tăng sẽ tác động tiêu cực lên tỷ giá và lãi suất. Theo đó, hai biến số này cũng sẽ có xu hướng tăng lên như một phản ứng dây chuyền. Nếu kịch bản này xảy ra thì khi đó NHNN sẽ buộc phải tăng lãi suất để hút tiền đồng thời sẽ phải đẩy mạnh phát hành tín phiếu NHNN nhằm giảm nguy cơ đầu cơ ngoại tệ từ các TCTD.
(trích thesaigontimes)