Mobile Money-Ví điện tử: Cơ hội cho cả hai
Dự báo Ngành Fintech và Ngân hàng số khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) tính đến năm 2025 do IDC thực hiện chỉ ra rằng, giao dịch di động tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 300% trong giai đoạn 2021-2025, dẫn đầu là sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán di động.
Thực tế, các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử tại Việt Nam những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. PwC ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động để thanh toán hàng hoá, dịch vụ tăng từ 37% lên 61%. Còn theo báo cáo từ Vụ Thanh toán, tới cuối năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua di động tăng 1.111,2% và 4.049,1% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng năm 2020 tăng 114,2% và 118,5% so với cùng kỳ năm 2019…
Tính đến ngày 22/3/2021, các tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là 42 đơn vị. Sự gia tăng ngày càng nhiều các ví điện tử trên thị trường đã mang lại nhiều tiện ích cho người dùng.
Các ví điện tử cũng đang rất nỗ lực để có thể kêu gọi thêm vốn phục vụ chiến lược phát triển trong dài hạn của mình. Đơn cử ngay đầu năm 2021, Công ty CP thanh toán G (GPay), trực thuộc Tập đoàn công nghệ G-Group công bố khoản đầu tư ở vòng gọi vốn thứ nhất (series A) từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng. Ví điện tử này cũng đặt mục tiêu cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán và tài chính cho 5 triệu người dùng thường xuyên vào năm 2023.
Hay như MoMo – một trong những ví điện tử đang có khoảng 20 triệu người dùng tại Việt Nam cũng đặt kế hoạch trở thành một “siêu ứng dụng” cùng tham vọng IPO vào năm 2025. Đầu năm 2021, VNPAY đã trình làng phiên bản mới của ví điện tử VNPAY với hướng đi lựa chọn ưu tiên tính năng ví gia đình…
Trên thực tế, nếu chỉ tính riêng ví điện tử thì mức độ cạnh tranh giữa các ví đã và đang ngày càng gay gắt. Thì nay, với việc Chính phủ đồng ý cho thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money (tiền di động) thì các nhà cung ứng ví điện tử lại càng có những thách thức trong mở rộng thị phần. Nếu xét về lợi thế, Mobile Money là tài khoản thanh toán gắn với sim điện thoại có thể nạp tiền mà không cần thông qua tài khoản ngân hàng, khác với các ví điện tử bắt buộc người dùng phải liên kết với thẻ ngân hàng để có thể nạp tiền vào ví.
Cạnh tranh là khó tránh, song theo chuyên gia thực tế mỗi doanh nghiệp có chiến lược, phân khúc thị trường và khách hàng khác nhau. “Ví điện tử có lợi thế của “người đi trước”, cái đích quan trọng nhất của việc phát triển ví điện tử nằm ở việc tập trung xây dựng hệ sinh thái để gia tăng các dịch vụ cung cấp tới khách hàng, chứ không nên phụ thuộc phí giao dịch”, một chuyên gia chia sẻ.
Bà Trương Cẩm Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay) cho rằng, xét về độ phủ, các ví điện tử thông thường sẽ tập trung vào khai thác đối tượng khách hàng ở những thành phố lớn, còn Mobile Money thì hướng tới thúc đẩy tài chính toàn diện nên sẽ hướng dịch vụ tài chính cung cấp cho đối tượng ở vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính. Đồng nghĩa với việc Mobile Money sẽ hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán, chuyển tiền cho các đối tượng khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng và ví điện tử.
Đồng tình như vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Mobile Money hướng tới phục vụ các khoản thanh toán nhỏ lẻ nên hạn mức thanh toán của Mobile Money cũng chỉ giới hạn giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán – thấp hơn nhiều so với ví điện tử. Trong khi theo quy định của Thông tư 23/2019/TT-NHNN, tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng/tháng. Như vậy, ví điện tử và Mobile Money đều có những phân khúc khách hàng riêng và đều có những lợi thế nhất định, phụ thuộc vào đối tượng khách hàng “đinh” với nhu cầu chi tiêu khác nhau.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Mobile Money, các ví điện tử và các NHTM đều có thể hợp tác với nhau trên tinh thần vừa hợp tác, vừa kết hợp và vừa cạnh tranh lành mạnh. “Mỗi loại hình có thế mạnh riêng, cạnh tranh sẽ là cơ hội cho cả hai cùng phát triển, hướng tới mục tiêu chung là mang lại dịch vụ tốt nhất, thuận tiện nhất với nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ hội cho các loại hình này phát triển cũng cần phải được sớm hoàn thiện”, TS. Lực nêu ý kiến.
Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng