Ngành Ngân hàng hỗ trợ khách hàng vượt khó, đảm bảo an toàn hệ thống
Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh
Cuối tuần qua, NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm đưa chính sách vào cuộc sống đạt hiệu quả tốt nhất. Chia sẻ định hướng xây dựng, ông Nguyễn Văn Du – Quyền Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, Thông tư 03 hướng đến hai mục tiêu lớn.
Thứ nhất tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 thông qua việc mở rộng phạm vi số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trong đó điều chỉnh kéo dài một số mốc thời gian về giới hạn thời gian khoản nợ phát sinh và giới hạn thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi của khoản nợ so với Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Mục tiêu thứ hai là đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, không để lợi dụng trục lợi chính sách, gây rủi ro cho hệ thống các TCTD theo chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của Bộ Tài chính. Vì vậy, trong Thông tư 03 có những quy định rất cụ thể rõ ràng. Trong đó quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi; quy định về phân loại, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn so với Thông tư 01. “Chỉ những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, đáp ứng điều kiện của thông tư, các TCTD mới thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ. Quy định trên tránh hiện tượng tranh thủ chính sách hỗ trợ để tái cơ cấu nợ cho cả các doanh nghiệp không gặp khó khăn bởi dịch Covid”, ông Du nhấn mạnh.
Thông tư 03 quy định số dư nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Nhưng nếu số dư nợ quá hạn theo thời hạn cơ cấu và không được TCTD thực hiện cơ cấu lại thì phân loại theo Thông tư 02.
Việc ban hành Thông tư 03 được đánh giá tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), Thông tư 03 và trước đó là Thông tư 01 là hành lang pháp lý quan trọng để các ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Với Thông tư 03, các doanh nghiệp sẽ giảm áp lực tài chính tương đối nhiều trong bối cảnh doanh thu sụt giảm. Quan trọng hơn, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tín dụng mới để duy trì sản xuất và thêm thời gian để phục hồi. Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, các quy định trong Thông tư 03 cũng tránh được tình trạng lợi dụng chính sách.
Tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại Hà Nội cũng đánh giá, việc ban hành Thông tư 03 là bước đi phù hợp, kịp thời vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an toàn hệ thống giúp TCTD trích lập theo năng lực của mình tạo dư địa kiểm soát được rủi ro trong thời gian tới. Chung quan điểm, CTCK VNDirect nhận xét, với việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021. Từ đó giúp các NHTM có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.
Lãnh đạo nhiều NHTM cũng kỳ vọng, cùng với kinh tế phục hồi với giải pháp mới tại Thông tư 03 gia tăng khả năng trả nợ của khách hàng tốt hơn tương tự với giai đoạn mà ngân hàng triển khai Thông tư 01. Phó Tổng giám đốc MB Phạm Thị Trung Hà cho biết, sau khi ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, các doanh nghiệp đã có khả năng trả nợ tốt hơn. Từ khi cơ cấu nợ theo Thông tư 01 trong năm 2020, đã có tới 80% khách hàng có thể trả nợ đúng hạn, còn 20% chưa trả nợ đúng hạn, tập trung lĩnh vực lưu trú, du lịch, dịch vụ.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, thời gian qua, các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai Thông tư 01 với các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.
Cơ bản đồng tình với những điểm mới sửa đổi tại Thông tư 03, nhưng NHTM cũng có những băn khoăn đối với quy định mới. Bà Phạm Thị Trung Hà cho biết, theo quy định tại Thông tư 03, NHNN vẫn giữ nguyên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu. Cụ thể, “việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến ngày 31/12/2021”. Theo bà Phạm Thị Trung Hà, hiện nhiều ngành đã hồi phục, song riêng lĩnh vực lưu trú, lữ hành, đặc biệt là tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa… vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi các ngành khác đã có sự phục hồi thì lĩnh vực lưu trú vẫn khó khăn kéo dài. Mà Thông tư 03 áp dụng cơ cấu nợ thêm 12 tháng kể từ ngày được cơ cấu nợ đối với tất cả các khách hàng. Do vậy, nhóm khách hàng này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bà Hà đề xuất kéo dài thêm thời hạn cơ cấu nợ với nhóm khách hàng này. “Chúng tôi đang làm việc với các khách hàng khu vực này để tìm hướng giải quyết và đưa ra kiến nghị”, bà Hà chia sẻ thêm
Tuy nhiên theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, để ban hành được Thông tư 03, Chính phủ, NHNN và các cơ quan đã phải đặt ra bài toán cân bằng nhiều lợi ích giữa các bên liên quan. Theo đó, vừa đảm bảo có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nền kinh tế, đồng thời phải đảm bảo an toàn hệ thống. Đó là nguyên tắc xuyên suốt trong chỉ đạo của NHNN từ Thông tư 01 đến Thông tư 03. “Các ngân hàng cần phải tăng cường rà soát tín dụng, các khoản tín dụng để trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Nhất là các khoản vay đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhưng đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro nợ xấu”, lãnh đạo NHNN lưu ý các ngân hàng khi triển khai Thông tư 03 trong thời gian tới.
Nguồn: Nguyễn Vũ – Thời báo ngân hàng