Ngày 27-11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-10-2010 và triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Nguyễn Xuân Quang UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể đạt thành tích cho vay nông nghiệp.
Qua 5 năm thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng bình quân 28%/năm. Trong đó Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đóng vai trò chủ đạo với dư nợ 5.100 tỷ đồng, chiếm 53% tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp; tiếp đến là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư nợ cho vay đạt 2.249 tỷ đồng…
Nhờ nguồn vốn vay này mà các thành phần kinh tế, hộ gia đình nông thôn có điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, chế biến nông lâm hải sản…
Tuy nhiên, Nghị định 41 không còn phù hợp nên Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, Nghị định 55 đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đều được tiếp cận chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Nghị định 55 đã nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp. Theo đó, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (Nghị định 41 là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (Nghị định 41 là 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng).
Điểm mới đặc biệt của Nghị định 55 so với Nghị định 41 là có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức tín dụng tăng cường phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nguồn vốn phát triển các chương trình kinh tế-xã hội trọng điểm và chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới tại địa bàn nông thôn; phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh thành lập quỹ tín dụng nhân dân, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo…
(Theo Báo Quảng Bình Online)