Cổ đông ngân hàng phải tiếp tục “thông cảm” về cổ tức
Cổ đông ngân hàng phải tiếp tục “thông cảm” về cổ tức
Nhiều nhà băng đã lên lịch họp ĐHCĐ thường niên trong tháng 4 tới, song đến thời điểm này, thông tin về tỷ lệ chia cổ tức 2015 và mục tiêu cổ tức 2016 vẫn chưa được hé lộ. Với kết quả kinh doanh èo uột trong năm qua, dự báo, điệp khúc “xin cổ đông thông cảm” vẫn tiếp tục được lãnh đạo nhiều nhà băng nhắc lại.
Ông Nguyễn An Minh, một nhà đầu tư chứng khoán than thở với ĐTCK, trong 3 năm qua, ông không hề nhận được một đồng cổ tức nào cho khoản vốn hơn 300 triệu đồng đầu tư mua cổ phiếu của một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng vừa chuyển trụ sở chính từ TP. HCM ra Hà Nội.
Tại các kỳ ĐHCĐ trước, lãnh đạo của nhà băng trên đều lý giải nợ xấu tăng trên 3% buộc ngân hàng phải bán nợ cho VAMC, nhưng vẫn phải trích lập dự phòng tới 20%/năm cho khoản nợ đó, khiến lợi nhuận nhà băng rất khiêm tốn, chỉ trên 20 tỷ đồng. Lãnh đạo Ngân hàng “mong cổ đông thông cảm” vì không thể chi trả cổ tức.
Thế nhưng, thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát ngân hàng này vẫn được chia ở mức hơn chục tỷ đồng theo đúng kế hoạch ban đầu. Không có cổ tức, giá cổ phiếu ngân hàng lại sụt giảm mạnh khiến ông Minh rất bức xúc. Thực tế thị trường cho thấy, trong hơn 3 năm qua, không ít ngân hàng mất khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông.
Chẳng hạn, tại VietA Bank, từ năm 2013 đến nay, cổ đông không hề nhận được một đồng cổ tức nào. Phía nhà băng này lý giải là do cổ tức được chi trả bằng cổ phiếu trong kế hoạch tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính – sức cạnh tranh. Sau nhiều năm trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kế hoạch tăng vốn điều lệ của VietA Bank được chấp thuận vào cuối năm 2015 và Ngân hàng đã tiến hành phát hành cổ phiếu tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên xấp xỉ 3.500 tỷ đồng.
Trước khi rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015, DongA Bank từng nằm trong danh sách những ngân hàng có mức cổ tức cao trong giai đoạn 2009 – 2011. Nhưng trong những năm qua, do nợ xấu tăng cao do nhà băng này mạnh tay rót vốn vào bất động sản, cổ đông đã không nhận được cổ tức. Thậm chí, cổ đông DongA Bank còn một phen “hú vía” khi Ngân hàng suýt phải bán lại với giá 0 đồng cho NHNN.
Không chỉ nhà băng nhỏ, mà ngay cả những nhà băng có tên tuổi trên thị trường như Eximbank trong 2 năm qua cũng mất khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông. Nguyên nhân là nợ xấu tăng cao, lợi nhuận hao hụt nặng. Hiện Eximbank đang nắm giữ 5.251 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Nguồn dự phòng đòi hỏi phải trích lập hàng năm cho khoản trái phiếu đặc biệt này lên tới trên 1.000 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau trích dự phòng hàng năm chỉ còn lại vài chục tỷ đồng. Năm 2014, Ngân hàng phải nói “không” với việc chia cổ tức.
Điều này đã khiến không ít cổ đông Eximbank bức xúc tại các kỳ ĐHCĐ của Ngân hàng, song quan điểm của HĐQT là vẫn phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro nợ xấu để đảm bảo an toàn cho hoạt động của Ngân hàng, “mong được cổ đông chia sẻ”. Dù vậy, thù lao HĐQT, Ban kiểm soát vẫn luôn giữ kế hoạch đưa ra ban đầu, 1,5% trên tổng lợi nhuận thu về của Ngân hàng. Thậm chí, có giai đoạn, Eximbank còn cao hơn. Eximbank đã có lịch ĐHCĐ thường niên 2014 vào cuối tháng 4 tới và thị trường đang chờ đợi các thông tin đưa ra từ HĐQT Ngân hàng.
Với kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2015, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 vỏn vẹn gần 62,5 tỷ đồng, không khó để dự đoán, năm 2015 vẫn tiếp tục là năm cổ đông Eximbank phải “chia sẻ với Ngân hàng”. Về quy định cổ tức của các ngân hàng, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II, Cơ quan Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, Điều 59, Luật Các tổ chức tín dụng quy định, việc chia cổ tức là quyền của ĐHCĐ, nhưng trong một số trường hợp, tùy theo mức độ an toàn hoạt động, ngân hàng nhà nước có thể áp dụng một số điều khoản đối với tổ chức tín dụng, trong đó có vấn đề chi trả cổ tức. “Trong quá trình ngành ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Việc tăng trích lập dự phòng làm lợi nhuận sụt giảm nên cổ tức chia cho cổ đông không như trước đây, khiến nhiều cổ đông bức xúc”, ông Dũng nói và cho biết thêm, tại mùa đại hội năm trước, trên địa bàn TP.HCM, chỉ có 5 ngân hàng thương mại được ngân hàng nhà nước phê duyệt tỷ lệ cổ tức 2014. Cụ thể, ACB chia cổ tức 7%; Nam A Bank 4% (thay vì 9% như đề xuất ban đầu); HDBank chia ở mức 5% bằng cổ phiếu; Saigonbank chia cổ tức 3%; VietCapital Bank chi ở mức 1,5%. Theo ông Dũng, tại ĐHCĐ năm nay, dự kiến nhiều nhà băng tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức, để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, nhất là các nhà băng sau M&A.
(trích vietbao)