Điều gì gây ra cuộc đua lãi suất?
Điều gì gây ra cuộc đua lãi suất?
Lý do phía sau cuộc đua huy động lãi suất tiền đồng đang diễn ra rầm rộ ở các ngân hàng có thể là để cấp bách đạt tỷ lệ an toàn mà nhiều ngân hàng đã vượt rào.
Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) tính đến cuối tháng 1-2016 của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 89,31%. Trong đó, cao nhất là các công ty tài chính, cho thuê tài chính (368%), TCTD hợp tác (106%). Nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là 99,11% và nhóm NHTM cổ phần là 79,05%.
Các công ty cho thuê tài chính và nhóm TCTD hợp tác được cơ quan quản lý cho phép giữ tỷ lệ LDR cao, một phần trong số đó đang trong quá trình tái cơ cấu. Còn lại, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã không thực hiện tỷ lệ LDR theo quy định của cơ quan quản lý từ khi áp dụng Thông tư 13 và Thông tư 36 tới nay.
Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hiệu lực từ ngày 1-2-2015) quy định tỷ lệ LDR của ngân hàng thương mại nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là (không quá) 90%; ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là không quá 80%.
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, lãi suất tăng cao như hiện nay là một hậu quả rõ ràng của việc tín dụng tăng mạnh trong năm 2015. Ở nhiều ngân hàng, tín dụng đổ ra đã lên tới trên 20%.
Thông tư 36 yêu cầu các tổ chức chưa tuân thủ các tỷ lệ này phải thực hiện đúng quy định trong thời hạn tối đa sáu tháng kể từ ngày nó có hiệu lực.
Tỷ lệ này đã được các ngân hàng thương mại cổ phần đưa về mức quy định vào nửa đầu năm 2015 nhưng khối ngân hàng thương mại nhà nước thì luôn vượt giới hạn và đặc biệt tăng mạnh trong mấy tháng gần cuối năm 2015.
Số liệu của NHNN cho thấy nếu như tháng 6-2015, khối ngân hàng thương mại nhà nước có LDR là 97,96% thì đến tháng 11-2015 đã tăng lên 98,38; có hạ xuống còn 97,22% vào tháng 12-2015 nhưng lại tăng lên thành 99,11% trong tháng 1-2016.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, tháng 6-2015 LDR đứng ở 78,08%, đến tháng 11 là 79,68%, sau đó hạ xuống còn 78,49% vào tháng 12-2015 rồi tăng lên thành 79,05% trong tháng 1-2016.
LDR là một thanh chắn quan trọng cho sự an toàn của các TCTD. Trong nhiều năm qua, có những ngân hàng thương mại đẩy tỷ lệ này lên tới hơn 100%. Khi Thông tư 36 quy định LDR là 90% và 80% tương ứng với hai loại hình ngân hàng, các ngân hàng này đã rất sốc.
Tổng giám đốc một ngân hàng nhận định đây là nguyên nhân của cuộc đua lãi suất đang diễn ra trên thị trường. Ông nói, “Tôi không cho rằng ngân hàng đang giành thị phần hay huy động để trả lãi dự thu như một số ý kiến, hoặc nếu có thì chỉ là lý do phụ. Bởi với LDR cao như vậy, đặc biệt ở khối ngân hàng quốc doanh, nếu cả năm nay không cho vay đi chăng nữa thì họ vẫn phải huy động một số tiền cực lớn mới giảm được tỷ lệ này xuống như yêu cầu của NHNN”.
Và ông cho rằng với đà này, lãi suất huy động (và cho vay) tiền đồng khó có thể giảm, nếu không muốn nói là sẽ buộc phải tăng.
Còn nhớ vào tháng 11-2015, NHNN đã “tuýt còi” cả chục ngân hàng vì tăng trưởng tín dụng quá mức room được cơ quan này cho phép và sau đó một số ngân hàng được NHNN phê duyệt nới room tín dụng như cách giải quyết việc đã rồi.
Nhiều người đặt câu hỏi tỷ lệ này vượt ngưỡng, tức an toàn hệ thống có vấn đề, vậy thì trách nhiệm cơ quan quản lý và giám sát, thanh tra ngân hàng ở đâu?
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, lãi suất tăng cao như hiện nay là một hậu quả rõ ràng của việc tín dụng tăng mạnh trong năm 2015. Ở nhiều ngân hàng, tín dụng đổ ra đã lên tới trên 20%. Tín dụng tăng mạnh mà LDR không đủ, rủi ro sau đó không riêng các ngân hàng gánh mà chính doanh nghiệp và người dân sẽ phải chịu hậu quả gián tiếp qua việc giá hàng hóa, dịch vụ bị đẩy lên cao do chi phí trả cho ngân hàng cao.
Tuần qua, một số doanh nghiệp chia sẻ với phóng viên rằng họ rất lo ngại cơn sóng lãi suất dâng lên, họ phải họp gấp ban điều hành và điều chỉnh khá nhiều chỉ tiêu dự kiến sẽ đưa ra xin ý kiến cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông sắp tới. “Lãi suất cứ thế này, doanh nghiệp chúng tôi đau tim lắm, hỏi chúng tôi kiếm lợi nhuận làm sao đây?”, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng nói.
(trích thesaigontimes)