Hệ thống ngân hàng: Những tín hiệu lạc quan
Hệ thống ngân hàng: Những tín hiệu lạc quan
Về tổng thể, bức tranh của hệ thống ngân hàng trong năm 2015 đã có nhiều gam màu sáng. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận đạt mức cao, nợ xấu giảm dần xuống dưới ngưỡng 3% trên tổng dư nợ, tăng trưởng tín dụng vượt qua kỳ vọng. Điều đó phản ánh “sức khỏe” của các ngân hàng đã thực sự hồi phục.
Một trong những đơn vị đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2015 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV). Theo đó, tính đến hết năm 2015, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 857 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2014, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư hơn 799 nghìn tỷ đồng, tăng 22%, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,71%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 793 nghìn tỷ đồng, tăng 26%; lợi nhuận trước thuế 7.036 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014. BIDV được các tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá có triển vọng ổn định, nằm trong nhóm các ngân hàng có bậc xếp hạng tín nhiệm cao nhất Việt Nam, được bình chọn là một trong 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định, mức tăng trưởng của BIDV trong 5 năm qua khá đồng đều và toàn diện ở tất cả các chỉ tiêu, với mức tăng trưởng cao bình quân 17%/năm. BIDV đã hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, với 82 chi nhánh cấp 1 và gần 800 phòng giao dịch, tiên phong “mở đường” trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài khi thiết lập quan hệ đại lý với hơn 1.700 định chế tài chính lớn tại 122 quốc gia, hiện diện thương mại tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Lào, Campuchia, Myanmar, Séc, Nga, Đài Loan. Với những kết quả khả quan trong năm 2015, BIDV tiếp tục có những kế hoạch lớn cho năm 2016. Đó là tăng trưởng tín dụng 20%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, huy động vốn tăng 21-22%, thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng lộ trình thực hiện đến năm 2018 cơ bản đạt được nền tảng của một “ngân hàng đạt chuẩn ASEAN“.
Không có được những con số mơ ước như BIDV, bởi có quy mô nhỏ hơn, song một ngân hàng đã từng nằm trong nhóm nguy hiểm đã thực sự hoàn thành tốt quá trình tái cơ cấu, đó là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Trong năm 2015, NCB đạt 111 tỷ đồng lợi nhuận, tổng tài sản đạt 48.380 tỷ đồng, tổng vốn huy động 34.377 tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng 26.157 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát ở mức 2,13%. Cho vay doanh nghiệp và các hộ tiểu thương chiếm 60% dư nợ tín dụng của NCB. Nhiều chi nhánh của NCB đã vươn lên nhóm dẫn đầu ngân hàng thương mại hiệu quả tại địa phương.
Ông Đào Trọng Khanh, Tổng Giám đốc NCB cho biết, 2 năm qua, NCB tập trung tái cấu trúc, phần lớn lợi nhuận được sử dụng để trích lập dự phòng và xử lý các tồn đọng cũ. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng cốt lõi của NCB đang phát triển mạnh, khả năng sinh lời khả quan, đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho ngân hàng. Với nền tảng hiện nay, NCB có thể tăng trưởng lợi nhuận 50-70% trong 1-2 năm tới.
Ít chịu ảnh hưởng bởi những dư chấn của khủng hoảng tài chính, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) luôn được nhìn nhận như một tổ chức tín dụng phát triển ổn định. Bởi vậy, trong năm 2015, ngân hàng này đạt lợi nhuận lên đến 3.151 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế trong nhóm dẫn đầu các ngân hàng thương mại cổ phần (không có vốn nhà nước chi phối) tại Việt Nam. Tổng tài sản của MB đạt 219.303 tỷ đồng, vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng, huy động vốn 181.308 tỷ đồng, dư nợ cho vay 120.308 tỷ đồng, nợ xấu lùi về 1,62%. Năm 2016, MB tiếp tục đặt mục tiêu khá cao, với tổng tài sản tăng 7-10%, dư nợ cho vay tăng 18-20%, nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tăng trưởng tín dụng 12-15% so với năm 2015.
Điểm qua tình hình hoạt động của một số ngân hàng có thể thấy, nếu như cuối năm 2014, nhiều đơn vị vẫn chịu sức ép lớn bởi các con số tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng… thì tình hình kinh doanh trong năm 2015 đã khả quan hơn rất nhiều. Vốn được coi là nơi phản ánh “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, một hệ thống ngân hàng khỏe cũng là cơ sở cho những dự báo lạc quan của nền kinh tế trong năm 2016…
( trích hanoimoi)