Không khí nhộn nhịp ngày giáp Tết ở Hà Nội
Không khí nhộn nhịp ngày giáp Tết ở Hà Nội
Đào quất được tấp nập chở vào thành phố, phố ông đồ đã khai trương. Dòng người lưu thông trên đường cũng ngày một đông.
Từ vài tuần nay, những người trồng đào ở làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đã bắt đầu cắt gốc đào mang ra chợ bán. Do thời tiết trước Tết 2 tuần ấm áp, nhiệt độ cao nên đa phần đào đã bung nở, khiến nhiều chủ vườn đào lo lắng. Giá một cành đào bán cho lái buôn Sài Gòn có giá chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, thấp hơn nhiều so với mọi năm
Nhiều người lên tận vườn chọn những cành đẹp đem ra chợ hoa Nhật Tân ngồi bán, cành nhỡ giá 200.000, còn cành to là 300.000 đồng. “Năm nay mọi người không chơi đào sớm như năm trước, mặc dù đào rẻ hơn, có những khách chỉ xem thấy rẻ mua về cắm chơi trước Tết”, ông Trịnh Xuân Cường (nhà ở An Dương, một người bán đào) nói
Đã 3 năm nay, Đàm Thị Quyên, sinh viên Cao đẳng Du lịch – Hà Nội, đều ra cánh đồng Nhật Tân mua đào mang bán kiếm tiền tiêu Tết. Cứ 5h sáng, Quyên đạp xe ra vườn, ngắm nghía và chờ chủ vườn đến để vào chặt. Cô sinh viên này mua mỗi lần hơn chục cành đào và bán cho bằng hết mới quay lên vườn lấy tiếp. “Được nghỉ học, các bạn về quê hết, còn em vẫn ở lại bán đào đến sát Tết mới về. Nhiều lúc cũng tủi thân và chán nhưng nghĩ có thêm tiền tiêu Tết là em lại cố”, nữ sinh người Tuyên Quang kể
Nhà anh Doanh ở Nhật Tân chuyên đào thế và quất loại to. Đào nhà anh chủ yếu cho các công ty, cá nhân có nhu cầu thuê về chơi Tết rồi trả lại vườn chăm sóc tiếp. Cây quất này anh đã bán với giá 6 triệu, cây đào anh cho thuê với giá 15 triệu đồng, gia đình thuê xe giao tận nhà cho khách.
Theo những hộ trồng quất ở phường Tứ Liên, năm nay giá quất có thể tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái do mưa nhiều, quất bị thối gốc nên phải nhổ bỏ tương đối nhiều. Quất được chia thành 3 loại: quất mini dao động 400.000-600.000 đồng/cây; quất to giá 5-6 triệu đồng/cây; quất vừa giá khoảng 1,5 triệu đồng/cây (cao khoảng 1,5 mét), dự kiến loại quất này sẽ bán chạy trong thời gian từ 20 tháng chạp trở đi.
Năm nay, Hà Nội quyết định di dời phố ông đồ từ địa điểm cũ ở vỉa hè Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào hồ Văn cách đó hơn 100 m. Hoạt động của phố ông đồ trong hồ Văn được tổ chức quy củ với gần 100 lều khung sắt ngay ngắn bên mặt hồ.
“Hội chữ xuân Ất Mùi” khai mạc từ hôm 8/2. Các ông đồ phải trải qua một kỳ sát hạch trình độ thư pháp để tránh tình trạng ông đồ viết chữ sai, viết xấu.
Tuy nhiên, do trước Têt ít người có nhu cầu xin chữ nên phố vẫn khá vắng vẻ. “Người đến là bạn nhiều hơn là khách. Thế là lại làm chén rượu Xuân, viết chữ chủ yếu để giao lưu chứ bán được là mấy. Vui là chính, chẳng sao cả”, ông đồ Văn Thùy chia sẻ.
Ngoài các ô viết chữ, trong hồ Văn còn trưng bày tác phẩm thư pháp tuyển chọn. Chủ để triển lãm thư pháp năm nay là “Khuyến học”. Mọi năm, phố ông đồ bắt đầu nhộn nhịp nhất từ ngày mùng 3 Tết – theo phong tục truyền thống là ngày lễ “Tết thầy”.
Những ngày này, nhiều tuyến đường ở Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc, thậm chí kéo dài trong cả giờ do dòng người đổ xô đi mua sắm và hoàn tất công việc trước khi kỳ nghỉ lễ bắt đầu.
Một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông ở Hà Nội là tuyến Tây Sơn và cầu vượt nhẹ Chùa Bộc – Thái Hà. Dòng phương tiện nối đuôi nhau trên cầu. Vỉa hè cũng kín xe máy, kẹt cứng nhiều giờ
Đến chập tối, lượng người lưu thông còn cao hơn. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng xảy ra trên đường Trường Chinh. Nhiều người phải chôn chân quá lâu đành quay đầu xe tìm đường khác, gây cảnh lộn xộn. “Dịp Tết này cảnh sát giao thông Hà Nội tăng cường 15 tổ công tác 141 để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”, đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội nói
( trích ngoisao.net)