Mobile Money – nền tảng bùng nổ thanh toán số

Mobile Money – nền tảng bùng nổ thanh toán số

Có thể nói Mobile Money đã và đang trở thành chất xúc tác, từng bước thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân thông qua nhiều tính năng tiện ích của dịch vụ.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ Mobile Money hiện đang có 588.000 thuê bao, số thuê bao Mobile Money hiện nay mới chỉ chiếm 0,47% trong tổng số 122,6 triệu thuê bao di động cho thấy con số sử dụng dịch vụ nêu trên vẫn còn rất thấp. Mặc dù gặp không ít khó khăn, song ông Trương Quang Việt – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel khẳng định, nhà mạng này sẽ tập trung đầu tư, khai thác dư địa tiềm năng dịch vụ này.

Ông đánh giá thế nào về kết quả ban đầu triển khai Mobile Money?

Tuy chưa lượng hoá được kết quả, nhưng trải qua hơn 3 tháng triển khai dịch vụ trên thị trường, có thể nói Mobile Money đã và đang trở thành chất xúc tác, từng bước thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của người dân thông qua nhiều tính năng tiện ích của dịch vụ. Khi sử dụng Mobile Money, người dùng có thể chuyển tiền cho người nhận chỉ cần số điện thoại và chuyển tiền tới mọi ngân hàng trên cả nước; mua bán hàng hóa, bằng cách quét mã QR đơn giản, tiện lợi; nạp/rút tiền mặt dễ dàng tại hệ thống hàng trăm ngàn điểm giao dịch. Điều này giúp giảm tối đa các chi phí xã hội liên quan đồng thời, góp phần thúc đẩy thanh toán, mua bán trên các thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, dịch vụ công trực tuyến… Từ đó giúp phát triển TTKDTM không chỉ ở thành thị mà còn tại vùng sâu, vùng xa. Tất cả những chuyển biến này sẽ đóng góp vào sự chuyển biến tích cực vào tăng trưởng nền kinh tế.

Theo ông, đâu là giải pháp để phát triển dịch vụ này ở vùng sâu, vùng xa theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đề ra?

Lần đầu tiên được cấp phép triển khai chính thức tại thị trường Việt Nam, các đơn vị triển khai Mobile Money đặt ra bài toán phải thay đổi hành vi, thói quen mua bán và thanh toán của khách hàng, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, ít tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng. Một trong những giải pháp đầu tiên để chúng tôi giải quyết bài toán này đó là định hướng thị trường, phải làm sao để người dân hiểu được sản phẩm dịch vụ, hiểu được những lợi ích mà Mobile Money mang lại và từ đó tin yêu, duy trì sử dụng dịch vụ, hình thành thói quen TTKDTM.

Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần có chương trình truyền thông bài bản và các chính sách hỗ trợ khách hàng kịp thời. Giải pháp thứ hai là không ngừng phát triển các điểm kinh doanh, điểm chấp nhận thanh toán để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho khách hàng.

Vậy ông kỳ vọng thế nào về sự phát triển của Mobile Money tại Việt Nam trong năm 2022?

Mobile Money đang và sẽ thay đổi thói quen của người dân – từ phương thức giao thương truyền thống sang mua bán và giao dịch không sử dụng tiền mặt. Đây là nền tảng cho sự bùng nổ của thanh toán số, hiện thực hóa nền tài chính số toàn diện tại Việt Nam và rộng hơn là “kích hoạt” nền kinh tế số, cuộc sống số. Đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới, việc mở ra những cơ hội giao thương, kinh tế cho người dân được coi là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất. Dịch vụ này được kỳ vọng sẽ phục vụ tối đa mọi nhu cầu mua bán, thanh toán của khách hàng, từng bước kiến tạo cuộc sống mới cho mọi tầng lớp người dân Việt Nam. Để người dân từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng tới miền núi, hải đảo xa xôi đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại. Theo đó Mobile Money không chỉ xóa nhòa khoảng cách về địa lý mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính.

Mặc dù trước mắt vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi nỗ lực đưa ra các giải pháp hướng đến Viettel Money trở thành một hệ sinh thái cho mọi đối tượng, không phân biệt vùng miền hay thu nhập, đặc biệt là người dân sinh sống tại nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh việc phủ các điểm kinh doanh trên toàn quốc, nhất là vùng sâu vùng xa, Viettel Money kết nối đến những điểm chấp nhận thanh toán để người dân có thể thanh toán, giao dịch ngày càng dễ dàng hơn…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Quỳnh Trang – Thời báo ngân hàng

Share this post