Ngân hàng – Thay đổi tạo cú hích cho tái cơ cấu nông nghiệp

Ngân hàng – Thay đổi tạo cú hích cho tái cơ cấu nông nghiệp

Cú hích cho tái cơ cấu nông nghiệp

Việc triển khai Nghị định 55 sẽ tạo thuận lợi trong việc đẩy nhanh quá trình đưa Lâm Đồng, Đà Lạt trở thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước và khu vực.                                                               Ngân hàng

Lâm Đồng vốn nổi tiếng là vùng của rau, củ, quả. Chính vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị định 55 (NĐ 55) về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho sản xuất nông nghiệp ở vùng đất này.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Trương Quốc Thụ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lâm Đồng cho rằng, NĐ 55 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, đối với Lâm Đồng, sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc đẩy nhanh quá trình đưa Lâm Đồng, Đà Lạt trở thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước và khu vực.

NĐ 55 còn khá mới, ông có cho rằng việc triển khai sẽ có những khó khăn nhất định?

Với những chính sách hỗ trợ theo quy định tại NĐ 55, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ yên tâm với vai trò đầu mối thực hiện các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai NĐ 55 còn tạo điều kiện cho các Ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tháo gỡ được nhiều khó khăn, đẩy nhanh quá trình cung ứng vốn đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, bước đầu thực hiện NĐ 55 tại Lâm Đồng không tránh khỏi nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Ví dụ, người dân ở khu vực nông thôn chưa có thói quen sử dụng hóa đơn. Việc mua phân bón, vật tư nông nghiệp thường thực hiện ở các cửa hàng nhỏ lẻ nên việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp đầy đủ hóa đơn theo quy định để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay là rất khó thực hiện. Thêm nữa, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các DN bao tiêu sản phẩm nên giá cả nông sản không ổn định, khó thực hiện được chính sách tín dụng theo mô hình liên kết.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp vốn có nhiều rủi ro bởi nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong khi đó việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi mới chỉ có ở một số nơi. Hay việc cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cấp giấy chứng nhận trang trại theo các tiêu chí còn chậm, việc xử lý tài sản bảo đảm… cũng là những khó khăn mà Lâm Đồng gặp phải.

Vậy các TCTD trên địa bàn có giải pháp gì để khắc phục khó khăn, thưa ông?

Trong thời gian tới, để có thể khắc phục những khó khăn vướng mắc khi triển khai NĐ 55, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, UBND cấp huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng và QTDND trên địa bàn thực hiện một số nội dung như: Đẩy mạnh công tác huy động vốn nhàn rỗi của các tổ chức và cá nhân; ưu tiên vốn vay nông nghiệp nông thôn và các chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, cho vay xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc kết nối Ngân hàng – DN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh…

NĐ 55 mới được triển khai nhưng vốn cho tam nông của các TCTD trên địa bàn đã tăng đáng kể. Tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đến thời điểm 30/9/2015 đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng gần 3.700 tỷ đồng so với thời điểm Nghị định 41 hết hiệu lực.

Với chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh như tái canh cà phê, nông nghiệp công nghệ cao, cho vay theo chuỗi liên kết… Ngân hàng nhà nước chi nhánh Lâm Đồng đã có những hỗ trợ gì cho các TCTD trên địa bàn để nâng cao hiệu quả các chương trình này?

NHNN tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện triển khai gói tín dụng tái canh cà phê, nông nghiệp công nghệ cao, mô hình chuỗi liên kết. Đến cuối tháng 10/2015, dư nợ cho vay tái canh cà phê đạt gần 700 tỷ đồng với diện tích đã thực hiện tái canh trên 7.600 ha, chiếm trên 90% về dư nợ và số hộ được vay tái canh toàn vùng Tây Nguyên.

Chúng tôi cũng đã triển khai Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2015 của NHNN về chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP đến các Ngân hàng tại Lâm Đồng.

NHNN chi nhánh Lâm Đồng đã phối hợp với các NH, đoàn khảo sát liên bộ và các sở ngành liên quan khảo sát mô hình sản xuất tại một số DN ứng dụng công nghệ cao, kịp thời kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về danh sách Ngân hàng Thương mại và DN tham gia cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ Trường Hoàng được lựa chọn tham gia chương trình với dư nợ 25 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietcombank chi nhánh Đà Lạt đã cho vay đối với CTCP Sinh học Rừng hoa Đà Lạt để thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao với số dư đến cuối tháng 9/2015 là 16 tỷ đồng.

(trích thoibaonganhang)

 

Share this post