Nghề tín dụng: Cần cho vay đúng người, đúng việc, đúng mục đích và tôn trọng sự thật
Nghề tín dụng: Cần cho vay đúng người, đúng việc, đúng mục đích và tôn trọng sự thật
Khách hàng khi được vay thì vui, khi giải ngân thì mừng, đến hạn trả nợ thì lo, khi quá hạn thì chây ỳ. Xã hội phức tạp đòi hỏi cán bộ tín dụng phải nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thiện tất cả các kỹ năng đặc biệt là biết lắng nghe, thẩm định đúng, phân tích tổng hợp nhanh, thu nợ quyết liệt và giao tiếp tốt.
LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Ánh Tuyết đang công tác ở Quỹ tín dụng nhân dân Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
Tôi là nhân viên tín dụng của Quỹ tín dụng nhân dân Hương Ngải với thời gian công tác đến nay cũng được hơn 4 năm. Tôi cảm thấy may mắn vì sau khi ra trường được làm đúng nghành, đúng nghề và cũng thật tuyệt vời khi được làm việc trong môi trường kinh doanh năng động cùng các cộng sự nhiệt huyết và dày dặn kinh nghiệm.
Sản phẩm của Quỹ tín dụng chủ yếu là nghiệp vụ gửi tiền tiết kiệm và cho vay. Những gì chúng tôi đã làm, đang làm và tiếp tục làm là tập trung phục vụ khách hàng tận tình chu đáo, đảm bảo Quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả, luôn tạo dựng sự hoàn hảo trong dịch vụ, giúp khách hàng cảm thấy hài lòng khi ra về.
Ở đây, tôi xin được trao đổi sâu hơn về nghiệp vụ cho vay – nghề mà tôi đang làm và là nghiệp mà tôi đã chọn.
Trong thời đại công nghệ 4.0, tất cả đều thay đổi nhưng với nghề tín dụng thì bản chất của nó là “thay đổi tư duy – làm việc sáng tạo” với mục tiêu: cho vay đúng người, đúng việc, đúng mục đích, tôn trọng “sự thật”, làm việc minh bạch và tất cả đều phải “ngỏ”.
Tôi xin chia sẻ câu chuyện vừa mới diễn ra hôm qua thôi. Một anh khách đến vay tiền, sau khi viết xong đơn đề nghị vay vốn, tôi bắt đầu hướng dẫn anh cụ thể hơn về hồ sơ vay và nói để anh cung cấp chứng từ chứng minh mục đích vay vốn. Khi nhận được yêu cầu từ tôi, khuôn mặt anh sầm lại quát: “Không có cái gì hết, đất nhà tao như thế mà không vay được vài trăm à? Chúng mày làm ăn kiểu gì mà lằng nhằng lắm thủ tục thế! Vay hơn tao mới mang ra đây, còn vay có tí tiền như vậy thì tao không cung cấp”.
Tình hình có vẻ căng thẳng quá?
Nhưng tôi vẫn bình tĩnh mỉm cười, ra hành lang, rót nước cho anh, mất khoảng 20s để có thời gian trì hoãn cơn tam bành của khách. Tôi nhẹ nhàng giải thích “anh ơi, em rất vui, vì đây có lẽ là lần đầu anh đi vay đúng không? Chúng em sẵn sàng đồng hành cùng anh, nhưng đây là quy định chung của toàn ngành, không phải riêng Quỹ tín dụng đâu anh. Em xin phép đi cùng anh qua nhà, anh cho em mượn giấy tờ em xem chút nhé!”. Nghe đến đây anh khách hàng gật đầu đồng ý.
Vậy là xong, tôi đã giải quyết xong một nửa công việc, vừa đi thẩm định, vừa có được chứng từ chứng minh mục đích vay vốn. Thế mới thấy người làm nghề tín dụng, cần lắm kỹ năng giao tiếp các bạn ạ!
Vậy chúng tôi phải làm gì để tồn tại, để phát triển?
Một là làm việc minh bạch, đúng quy trình, quy định khi gửi tiền cũng như cho vay để đảm bảo Quỹ hoạt động an toàn.
Hai là cho vay đúng người, đúng việc, đúng mục đích đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát được rủi ro.
Ba là nâng cao chất lượng dịch vụ, làm việc theo hướng tích cực, tạo dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin đối với khách hàng.
Khách hàng khi được vay thì vui, khi giải ngân thì mừng, đến hạn trả nợ thì lo, khi quá hạn thì chây ỳ. Xã hội phức tạp, đạo đức con người xuống cấp đòi hỏi cán bộ tín dụng phải nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thiện tất cả các kỹ năng đặc biệt là biết lắng nghe, thẩm định đúng, phân tích tổng hợp nhanh, thu nợ quyết liệt và giao tiếp tốt.
Thời gian gần đây, pháp luật Việt Nam đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến nghành ngân hàng, như đại án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như…Trong khu vực huyện Thạch Thất có Quỹ tín dụng nhân dân Đại Đồng, chủ tịch HĐQT tự ý lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt tài sản. Tất cả đều bị trừng trị đích đáng. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu đạo đức nghề nghiệp, trong đó quy trình, quy định còn nhiều kẽ hở, cán bộ nhân viên làm việc thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của khách hàng đối với hệ thống ngân hàng.
Để khách hàng cảm thấy hài lòng hơn, tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thì ngoài những nhân tố chủ quan nêu trên còn cần những thay đổi khách quan như: hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ hơn, phù hợp hơn (như thông tư số 04/2015/TT-NHNN có một số điều chưa phù hợp với tình hình hoạt động của QTDND) đồng thời từng nhân viên một hãy cố gắng làm một bông hoa đẹp, lấy nụ cười của khách hàng làm phần thưởng cuối ngày, tận hưởng niềm vui sau khi thu hồi được nợ xấu, cảm nhận dư vị hạnh phúc khi thấy khách hàng thành công từ tiền vay mà chính mình là người đề xuất cho vay.
(Trích cafef)