Nguồn vốn tín dụng ngân hàng giúp doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn
Nguồn vốn tín dụng ngân hàng giúp doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn
Để không ngừng tăng trưởng tín dụng, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động bố trí nguồn vốn cho vay doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trụ vững trước khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất.
Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn”, ngay sau khi Chính phủ và ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã kịp thời triển khai ngay đến các đơn vị trong toàn ngành. Đến ngày 30/11/2015, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đang thực hiện cho vay gần 1.200 doanh nghiệp với tổng dư nợ cho vay ước đạt 13.425 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay thí điểm phục vụ sản xuất nông nghiệp, cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, cho vay thực hiện chương trình nước sạch nông thôn theo Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, cho vay xây dựng nhà ở xã hội… Nguồn vốn tín dụng đó đã giúp các doanh nghiệp duy trì, mở rộng và phát triển sản xuất.
Là một trong những doanh nghiệp chuyên gia công hàng may mặc, thành lập từ năm 2010 với xuất phát điểm chỉ là một xưởng may với 15 máy may, đến nay, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại và dịch vụ MTA (xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ) đã mở rộng quy mô sản xuất lên 1.200m2 nhà xưởng và hệ thống máy móc thiết bị (gồm máy móc chuyên dụng, máy may công nghiệp, các thiết bị vật tư ngành may) bảo đảm việc làm thường xuyên cho 250 lao động với thu nhập bình quân từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Đỗ Văn Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: Nhờ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Quỳnh Phụ tin tưởng, tạo điều kiện cho vay vốn từ 500 triệu đồng lên tới 6,5 tỷ đồng (trong đó vốn vay trung hạn 4 tỷ đồng, vốn vay ngắn hạn 2,5 tỷ đồng), Công ty mới có nguồn lực để mở rộng quy mô sản xuất. Sử dụng vốn vay có hiệu quả, năm 2014, Công ty đạt doanh thu 9,5 tỷ đồng, năm 2015 dự kiến đạt hơn 12 tỷ đồng, ngoài ra còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước cũng như các chế độ cho người lao động.
Cùng với tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn cho vay doanh nghiệp, thời gian qua, ngành ngân hàng còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất như: gia hạn nợ cho trên 5.100 khách hàng, miễn, giảm gần 50 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (giảm từ 10 – 11% so với thời điểm cuối năm 2011 với mức lãi suất cho vay phổ biến từ 7 – 11%/năm; riêng các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay mới được áp dụng ở mức 7%/năm; 100% dư nợ cho vay doanh nghiệp cũ được điều chỉnh về mức dưới 13%/năm). Bên cạnh đó, ngành còn tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị kết nối, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn. Giai đoạn 2012 – 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã chủ trì tổ chức 4 hội nghị, đồng thời tổ chức ký kết các hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp, hộ sản xuất. Đến ngày 30/9/2015, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 2.769,2 tỷ đồng theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết tại hội nghị kết nối, tổng dư nợ cho vay đạt 789 tỷ đồng.
Chủ động tiếp cận và cho vay doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển cả về quy mô và số lượng các doanh nghiệp. Đến cuối tháng 11/2015, trên địa bàn tỉnh có 4.384 doanh nghiệp, 492 chi nhánh và văn phòng đại diện, trong đó 457 doanh nghiệp mới thành lập, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2014; 366 doanh nghiệp ngừng và tạm ngừng hoạt động, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2014; 92 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã hoạt động trở lại, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2014.
( trích báo thaibinhonline)