Nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước: Dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu không mang tính bao cấp

Nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước: Dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu không mang tính bao cấp

Nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước: Dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu không mang tính bao cấp

“Để các ngân hàng tự xử lý thì họ lấy tiền ở đâu? Tiền không thể trên trời rơi xuống mà họ lấy từ lãi suất cho vay ra nền kinh tế, mà chính doanh nghiệp và người dân là những người phải trả giá”, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy nêu vấn đề.

Nguyên thống đốc ngân hàng - Lê Đức Thúy

                                                               Nguyên thống đốc ngân hàng – Lê Đức Thúy

Bỏ mặc ngân hàng tự xử lý nợ xấu là thiếu trách nhiệm

Theo nhiều ý kiến chuyên gia, khu vực ngân hàng tại Việt Nam tuy cải thiện nhưng chất lượng chưa cao thể hiện ở chất lượng tài sản, đặc biệt là nợ xấu.

Nợ bán cho VAMC các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro khiến gánh nặng tài chính thêm đè nặng. Chưa kể, chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra không hề nhỏ, nên nếu trừ đi tất cả các khoản trích lập, chi phí… thì thực chất lợi nhuận của các ngân hàng là rất thấp. Nợ xấu tiếp tục là gánh nặng, nếu không có thêm cách giải quyết ngoài giải pháp hiện tại thì đây vẫn sẽ là điểm nghẽn lớn của hệ thống ngân hàng trong năm 2016.

Cũng trăn trở về vấn đề này, tại hội thảo mới đây, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước cho rằng: “Ai cũng nói nợ xấu là vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng, nhưng theo tôi, khi nợ xấu đã được ghìm dưới 3% thì đây không còn là vấn đề lớn nữa. Đã làm ngân hàng đương nhiên có nợ xấu nhưng ở đây nợ xấu dưới 3% trong thời gian qua là quá tốt rồi”.

Thế nhưng, ông Thúy cũng nhìn nhận, cách đánh giá nợ xấu của Việt Nam chưa theo chuẩn mực thế giới. Thực tế, nợ xấu có một phần không nhỏ nằm ở VAMC, chưa giải quyết được căn bản.

Theo quan điểm của nguyên Thống đốc, cần xem lại tư duy cho rằng không được dùng ngân sách nhà nước – hay nói cách khác là tiền thuế dân để hỗ trợ, xử lý nợ xấu.

Theo ông Thúy, ngân hàng tạo ra nợ xấu thì phải chịu thế nhưng, nếu ôm quá nhiều nợ xấu thì ngân hàng không thể làm tròn vai trò là trung gian tài chính, là nguồn phân bổ vốn cho nền kinh tế.

Nếu để ngành ngân hàng sang một bên mà nền kinh tế vẫn phát triển thì không còn phải bàn. Thế nhưng, sức khỏe của nền kinh tế gắn với ngân hàng, ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên nếu nhìn nhận theo hướng cứ để mặc, kệ nó cho nó tự xử lý là thiếu trách nhiệm.

Không có nghĩa là cho không, là xí xóa lỗi của các ngân hàng

Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Lê Đức Thúy cho biết các ngân hàng có thể tự xử lý nợ xấu bằng nhiều cách như tự thu hồi nợ hoặc trích dự phòng rủi ro nhưng cái giá phải trả quá lớn.

Ông dẫn chứng, nếu để các ngân hàng tự xoay sở đòi hỏi thời gian rất dài để khắc phục hậu quả trong khi đó, các cá thể này đã yếu kém lại vẫn duy trì hoạt động. Nếu tuân thủ các chuẩn mực, một số ngân hàng đã vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, vốn không bổ sung đủ các ngân hàng cũng không thể mở rộng cho vay hoặc cho vay hạn chế.

Hơn nữa, chi phí xử lý nợ xấu sẽ khấu trừ vào chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro lúc này chi phí vốn tăng lên khiến lãi suất tăng lên. Chính vì lãi suất ngân hàng vẫn cao hơn khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế làm cho lượng vốn cần thiết không được bơm đủ ra ngoài khiến quá trình phục hồi của cả hệ thống bị trì trệ.

Vì vậy, dùng ngân sách nhà nước – hay nói cách khác là tiền thuế dân để hỗ trợ là một biện pháp đẩy nhanh tiến trình xử lý “cục máu đông” nợ xấu.

Một thái độ khác đối với các ngân hàng yếu kém mà một số nước đã áp dụng đó là Chính phủ sẽ hỗ trợ từ bên ngoài bằng nguồn lực khác để xử lý nhanh những khó khăn giúp ngân hàng phục hồi nhanh, phục vụ tốt cho nền kinh tế.

Trước đây, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã phải bơm hàng chục tỷ euro vào hệ thống ngân hàng để làm dịu việc thu hẹp tín dụng do các vấn đề cho vay dưới chuẩn gây ra. Ngân hàng Trung ương Mỹ và Nhật cũng đã có phản ứng tương tự.

Theo ông Thúy, quá trình phục hồi chỉ nhanh khi có nguồn lực bên ngoài hoặc từ ngân sách của Chính phủ (nếu có) thậm chí Chính phủ buộc phải đi vay bên ngoài như các nước trên thế giới để hệ thống ngân hàng hoạt động trở lại, trước hết là vì lợi ích phát triển chung của cả hệ thống.

“Để các ngân hàng tự xử lý thì họ lấy tiền ở đâu? Tiền không thể trên trời rơi xuống mà họ lấy từ lãi suất cho vay ra nền kinh tế, mà chính doanh nghiệp và người dân là những người phải trả giá.

Hơn nữa, các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ cũ, chi phí này ‘ăn mòn’ lợi nhuận, từ đó thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách Nhà nước cũng bị giảm sút. Cho dù chúng ta có bỏ mặc các ngân hàng tự xoay sở thì bản chất các tổ chức này cũng lấy tiền cũng từ dân mà ra”, ông Thúy phân tích.

Tuy nhiên, Nguyên Thống đốc NHNN cũng lưu ý việc xã hội giúp đỡ, hỗ trợ các ngân hàng yếu kém này không đồng nghĩa với việc xí xóa những lỗi về thủ tục cho vay bất cẩn, lạm dụng chức quyền, tham nhũng trong ngân hàng. Những ai làm ẩu, đều phải xử lý trước pháp luật, các đơn vị yếu kém có thể thu hồi giấy phép, những người quản trị kém, làm thất thoát tài sản phải đền bù tài chính…

Bên cạnh đó, ông Thúy cũng chỉ ra khoản hỗ trợ của Chính phủ không phải là cho không. Chính phủ có thể mua lại nợ có thể với giá chỉ bằng 30-50% giá trị nợ gốc hoặc cho vay tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để giúp các ngân hàng có vốn hoạt động.

“Tất cả các khoản hỗ trợ không mang tính cho không, không mang tính bao cấp mà sớm muộn gì các TCTD cũng phải mang trả lại nhưng được vay vào đúng lúc với mức hợp lý vào thời điểm cần thiết có thể hỗ trợ các ngân hàng giải thoát khỏi gánh nặng nợ nần sớm hơn”, vị đứng đầu NHNN một thời nhấn mạnh.

(theo cafef)

Share this post