Pháp lý và liên thông cơ sở dữ liệu: Nền tảng cho ngân hàng số phát triển

Pháp lý và liên thông cơ sở dữ liệu: Nền tảng cho ngân hàng số phát triển

Theo ông Phạm Xuân Hòe, việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ là yếu tố quan trọng nhất, quyết định cho chuyển đổi số thành công. Do đó, cần có quan điểm mở để tạo hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cân bằng giữa quản lý an toàn với đổi mới sáng tạo.

Từ thực trạng…

Phát biểu tại diễn đàn: “Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 25/3, ông Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho biết, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam hiện đang diễn ra ở 3 cấp độ: Cấp độ một là các dịch vụ ngân hàng truyền thống hiện vẫn được duy trì và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Cấp độ hai là các dịch vụ ngân hàng điện tử (liên quan đến giao dịch điện tử chứ chưa phải số hóa hoàn toàn). Cấp độ ba là các ngân hàng đã số hóa được một số khâu nghiệp vụ và một số sản phẩm (ví dụ các App thanh toán).

Tuy nhiên theo ông Hòe, quá trình số hóa trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang diễn ra nhanh chóng. Trong đó, sự cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng mà còn xuất hiện những người chơi mới như các công ty viễn thông, các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty Fintech.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, bà Nguyễn Thùy Dương – Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Fintech (Hiệp hội Ngân hàng) cho rằng, phần lớn các TCTD đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Có 42% TCTD hiện đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% đã và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh và 11% đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng. Không chỉ triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số như chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử (đã triển khai chiếm từ 47%-77,7%) mà phần lớn các ngân hàng còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ. Theo đó, có tới 73% TCTD đã số hóa quy trình hoạt động liên tục; 47,6% TCTD số hóa hệ thống quản lý quan hệ khách hàng; 42,8% TCTD thực hiện chữ điện tử và số hóa chữ ký nội bộ.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số đang gặp phải vướng mắc về vấn đề như: Chưa xác định rõ tầm nhìn về số hóa và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng; Chưa có khung ban hành pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới; Nguồn lực, khả năng đầu tư vào công nghệ; Chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ; Hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ cho phát triển ngân hàng số; Nguy cơ các cuộc tấn công mạng gắn với vấn đề an ninh, bảo mật…

Cùng với đó, 3 rủi ro lớn nhất mà các ngân hàng cần quan tâm trong chuyển đổi số là rủi ro về mặt hệ thống trên môi trường số; rủi ro về mặt con người (rủi ro đạo đức, rủi ro vận hành); rủi ro về mức độ chấp nhận đầu tư cho công nghệ.

…đến tương lai

Để chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, bà Nguyễn Thùy Dương nhấn mạnh đến 4 việc cần làm: Xây dựng, hoàn thiện luật, quy định về cơ sở dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường số; Cơ chế pháp lý thử nghiệm cho mảng Fintech và rộng hơn là cho các mô hình ngân hàng số chuyên biệt; Liên thông cơ sở dữ liệu dân cư; Quy định rõ ranh giới giữa các công ty viễn thông và ngân hàng. “Bốn yếu tố này sẽ là nền tảng và tôi tin nếu thực hiện quyết liệt, ngành Ngân hàng sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2025”, bà Dương nói.

Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ là yếu tố quan trọng nhất, quyết định cho chuyển đổi số thành công. Do đó, cần có quan điểm mở để tạo hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cân bằng giữa quản lý an toàn với đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, chuyên gia này cho rằng cần phải có sự chia sẻ giữa các đơn vị kinh doanh và các nhà quản lý trong quá trình thẩm tra và quyết định cho phép một mô hình kinh doanh mới được triển khai. Để làm được điều này, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo điều kiện kết nối mở cho TCTD truy xuất theo thẩm quyền được duyệt và có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3. Chính phủ cũng cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulator sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, như vừa qua là Sandbox cho Mobile Money.

Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngân hàng số cũng là đề xuất được ông Phạm Xuân Hùng – Trưởng Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đưa ra. Cụ thể, ông Hùng cho rằng cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý ở những lĩnh vực gồm: Định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) có giới hạn; Hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số; Chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng; Quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động ngân hàng số.

Đối với các ngân hàng, cần xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể trong việc thực hiện phát triển ngân hàng số, nhất là phân bổ nguồn lực phù hợp để đầu tư cho công nghệ mới và nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số. Cùng với đó, chú trọng thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp về quản trị rủi ro, an ninh, bảo mật, đảm bảo dữ liệu người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, số hóa sẽ giúp thay đổi diện mạo của các ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như: trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; an toàn hơn. Một kết quả khảo sát tại các NHTM Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60-70% chi phí. Hơn nữa, khi đã thực hiện số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.

Nguồn: Đỗ Lê – Thời báo ngân hàng

Share this post