Qũy bảo lãnh tín dụng: Cần tăng nguồn lực để làm tốt vai trò “cầu nối”

Qũy bảo lãnh tín dụng: Cần tăng nguồn lực để làm tốt vai trò “cầu nối”

Theo công bố mới nhất từ NHNN, tính đến cuối tháng 4, tín dụng mới tăng khoảng 1,32% so với cuối năm 2019, đây là mức tăng rất thấp, cho thấy dịch Covid đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến các DN. Ngoài sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng các chuyên gia cho rằng đây là lúc cần phát huy vai trò của các quỹ hỗ trợ DN đặc biệt là Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD).

Ra đời từ năm 2001 theo Quyết định 193/2001/QÐ-TTg, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay nhiều DN vẫn còn mơ hồ, thậm chí không biết đến sự tồn tại của Quỹ BLTD. Để hướng dẫn và quy định cụ thể hoạt động của Quỹ BLTD, năm 2018, Chính phủ tiếp tục đưa ra Nghị định 34/2018/NĐ-CP. Cụ thể, Quỹ BLTD là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp BLTD cho các DNNVV theo quy định tại nghị định này và pháp luật có liên quan. Quỹ BLTD hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ BLTD là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp.

Tuy nhiên hoạt động của các Qũy BLTD rất mờ nhạt. Thống kê cho thấy đến nay trên cả nước có 28 Quỹ BLTD trực thuộc các tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn là hơn 1.450 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách địa phương cấp là 1.288,8 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề là 171,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, doanh số bảo lãnh lũy kế các quỹ ước đạt khoảng 4.346 tỷ đồng, các dư nợ cam kết bảo lãnh của các quỹ ước đạt 228 tỷ đồng, số trả nợ thay ước khoảng 36 tỷ đồng, một con số rất nhỏ trong dư nợ tín dụng của bộ phận DNNVV.

Thậm chí nhiều địa phương đã giải thể Quỹ BLTD do hoạt động không hiệu quả. Đơn cử, tháng 2/2020, UBND Đà Nẵng đã ra quyết định số 980/QĐ-UBND giải thể Quỹ BLTD của thành phố. Theo tờ trình về phương án giải thể, thì quỹ từ khi thành lập đến nay có tổng vốn hoạt động 64,5 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến năm 2019 quỹ này mới chỉ cấp bảo lãnh cho 14 DN theo phương thức tín chấp với giá trị 18,1 tỷ đồng, tương đương bình quân số bảo lãnh trong 5 năm là 3,6 tỷ đồng/năm.

Nguyên nhân do quy mô của quỹ còn nhỏ do nhiều địa phương chưa có nguồn lực để bố trí vốn điều lệ cho quỹ; năng lực tài chính, quản trị điều hành các quỹ còn hạn chế. Trong khi quy trình nghiệp vụ trong công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát, thu hồi các khoản nhận nợ bắt buộc còn chưa hoàn thiện; một số DNNVV chưa đủ điều kiện để được cấp bảo lãnh, hạn chế về công tác kế toán, năng lực tài chính, quản trị rủi ro…

Nhận định về điều này, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết, ngân hàng không thiếu tiền cho vay, song chỉ có thể cho vay đối với những DN đủ điều kiện. Vì vậy, cần phải phát huy vai trò “cầu nối” của hệ thống Quỹ BLTD. Muốn vậy, việc cải tổ các Quỹ BLTD là vô cùng cấp thiết; Chính phủ cần phải xem xét làm sao để có nhiều nguồn lực về tài chính đồng thời các thủ tục về bảo lãnh vay phải đơn giản hơn.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng các Quỹ BLTD là công cụ vô cùng quan trọng trong thời điểm này để có thể hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, trên thực tế, công cụ này không chứng tỏ được sự hiệu quả của nó trong nhiều năm qua và ngay tại thời điểm này. Quỹ BLTD địa phương do UBND của các địa phương thành lập, nguồn vốn èo uột, tiêu chí bảo lãnh chặt chẽ, vì vậy không mang ý nghĩa lớn đối với DN. Theo ông Hiếu, cần cơ cấu lại, biến các Quỹ BLTD địa phương hiện nay thành Quỹ BLTD quốc gia và mỗi năm Chính phủ phải bổ sung nguồn vốn cho quỹ. Điều kiện bảo lãnh cũng cần được xem xét; quỹ phải hoạt động khác tiêu chí của ngân hàng, nếu đòi hỏi điều kiện khắt khe như ngân hàng cũng vô ích.

Bên cạnh hệ thống Quỹ BLTD, hiện các DN còn có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Quỹ phát triển DNNVV (SMEDF) được thành lập theo quy định tại Quyết định số 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện ủy thác cho NHTM cho vay DNNVV. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn điều lệ cho quỹ từ nguồn ngân sách Nhà nước 837,25 tỷ đồng.

Thời gian qua Quỹ SMEDF cũng đã ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa quỹ với nhiều NHTM. Tính đến nay, quỹ đã chấp thuận ủy thác cho ngân hàng để giải ngân cho DNNVV số tiền là 149,8 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Hồng – Chủ tịch Hội đồng thành viên quỹ cho biết, với vai trò là vốn mồi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cùng chung tay hỗ trợ phát triển DNNVV. Việc triển khai các hoạt động hỗ trợ của quỹ thông qua hợp tác với một số NHTM là bước kịp thời nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các DNNVV cũng như thúc đẩy phát triển kinh doanh của các DN. Đồng thời, góp phần tác động thay đổi rủi ro tín dụng: chuyển từ việc đề cao tiêu chí tài sản bảo đảm sang việc chú trọng đánh giá năng lực nội tại của DN.

Quỳnh Trang – Thời báo ngân hàng

Share this post