Quỹ Tín dụng nhân dân – Nâng cao chất lượng hoạt động

Quỹ Tín dụng nhân dân – Nâng cao chất lượng hoạt động

Hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) của tỉnh ngày càng sát thực hơn, vừa đào tạo chuyên môn, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho quỹ ổn định và phát triển. Từ đó Quỹ TDND mạnh lên cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.

Đào tạo nghiệp vụ

Những năm qua, các Quỹ tín dụng nhân dân trong tỉnh đã góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn vốn tại địa phương cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh buôn bán đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong hoạt động, do trình độ về kinh doanh tín dụng còn hạn chế nên từng lúc, từng nơi xảy ra tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định về kinh doanh tiền tệ.

Ông Lê Hạnh - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh trao chứng chỉ cho học viên hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ quỹ TDND

Ông Lê Hạnh – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh trao chứng chỉ cho học viên hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ quỹ TDND

Năm 2015, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã dành nguồn kinh phí tổ chức đưa đi đào tạo “nghiệp vụ quỹ tín dụng nhân dân” cho 35 cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân , cán bộ HTX tại Học viện Ngân hàng- Phân viện Phú Yên. Các học viên đã được bồi dưỡng những vấn đề: Quy định pháp luật ngân hàng và QTDND; kỹ năng giao dịch, nghiệp vụ kế toán, tín dụng; phân tích và quản lý tài chính quỹ TDND; quản lý rủi ro, kiểm soát, kiểm toán… “Mấu chốt để nâng cao năng lực hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân là phải tập trung đào tạo nghiệp vụ. Có kiến thức, hoạt động kinh doanh hiệu quả, tránh vi phạm pháp luật, gây rủi ro cho quỹ và bản thân cán bộ”, ông Phạm Hoài Nam – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.

Sau lớp đào tạo, cán bộ các quỹ TDND hiểu được những quy định của pháp luật về kinh doanh tín dụng, đặc biệt là nguyên tắc huy động vốn, cho vay; quản lý nguồn vốn – vốn trước đó là những hạn chế lớn nhất của các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh… Trao đổi về sự cần thiết phải bồi dưỡng nghiệp vụ tín dụng ngân hàng cho các Quỹ tín dụng nhân dân của Quảng Ngãi, ông Nguyễn Vĩnh Hưng- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Quỹ TDND Việt Nam cho biết: “Trong kinh tế thị trường, hoạt động tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc trang bị kiến thức cho cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân nói riêng, HTX của Quảng Ngãi nói chung là đặc biệt cần thiết. Khi nắm được các quy định của pháp luật, hoạt động của quỹ mới bảo tồn, ổn định và phát triển”.

Tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, hiện nay các quỹ TDND trong tỉnh đang gặp phải một số khó khăn do quy định của Thông tư 04 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành. Theo quy định của Thông tư 04 thì đối với quỹ TDND hoạt động trên một phường, xã tỷ lệ huy động vốn của thành viên phải đạt 50%. Song thực tế, hầu hết thành viên của các quỹ TDND chủ yếu là vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, còn việc gửi thì không phải ai cũng có tiền để gửi và có nhu cầu gửi tiền ở quỹ.

Bên cạnh đó, điều kiện để trở thành thành viên quỹ TDND theo Thông tư 04 là phải có hộ khẩu và thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ là chưa hợp lý. Bởi thực tế có những trường hợp từ nơi khác đến để thuê đất sản xuất kinh doanh trên địa bàn hoạt động của quỹ TDND và thuộc thành viên của quỹ trước đây, mà không có hộ khẩu thường trú thì sẽ thu hồi- đồng nghĩa số thành viên sẽ bị giảm.

Mức vốn góp xác lập tư cách thành viên nếu trước đây chỉ có 50.000 đồng thì nay đã tăng lên 300.000 đồng. Tiếp đó, mức vốn góp thường niên là 100.000 đồng/năm. Điều này khó cho quỹ và cả khách hàng. Bởi đặt giả thiết như vì tin tưởng  Quỹ tín dụng nhân dân nên một số khách hàng tìm đến để gửi tiết kiệm 10 triệu đồng với lãi suất 7%/năm. Như vậy tính ra một năm khách hàng có thể thu lãi được 700 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi đến gửi thì bắt buộc phải mở thẻ thành viên và đóng 300 nghìn đồng. Trong khi đó, cũng số tiền trên, nếu đem gửi ở các ngân hàng thương mại khác sẽ không phải đóng góp bất cứ khoản phí nào, thậm chí còn nhận quà tặng từ các ngân hàng…

Mục đích ban hành Thông tư 04 của NHNN là làm cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tăng cường công tác quản trị điều hành, hạn chế được các rủi ro trong hoạt động. Tuy nhiên, với vai trò tự chủ, Quỹ tín dụng nhân dân đang nỗ lực vươn lên gia tăng thành viên, tăng vốn huy động. Sự ràng buộc và những giới hạn đối tượng gửi tiền, tỷ lệ huy động vốn… sẽ khiến Quỹ tín dụng nhân dân bị thu hẹp mạng lưới, số lượng thành viên.

(http://www.baoquangngai.vn)

Share this post