Tại sao hạ lãi suất về 0 để chống đô la hóa, Việt Nam lại phải chạy đi vay 200 triệu USD từ Đài Loan?
Tại sao hạ lãi suất về 0 để chống đô la hóa, Việt Nam lại phải chạy đi vay 200 triệu USD từ Đài Loan?
Việc chống đô la hóa của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu khi không làm giảm tỷ lệ đô la hoá xuống, ngược lại tỷ lệ này đang tăng lên.
“Tại sao trong bối cảnh lãi suất USD huy động trong dân là 0%, một ngân hàng Việt Nam lại phải đi vay ngoại tệ từ bên ngoài”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy thắc mắc liên quan đến hiệu quả của việc chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước khi hạ lãi suất huy động USD về 0%.
Quyết định hạ lãi suất gửi USD về 0% được thông báo khi chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2015. Mục tiêu của quyết định này, theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.
Qua đó, chuyển từ quan hệ huy động – cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán bằng ngoại tệ. Tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ cũng sẽ bị triệt tiêu khi giữ USD không còn mang lại nhiều lợi ích như trước.
Mục tiêu chống đô la hóa này đã đạt được đến đâu? Theo phân tích của nguyên Thống đốc Thúy, ở đây có 2 vấn đề.
Một là, lẽ ra chính sách chống đô la hóa sẽ giảm lượng ngoại tệ găm giữ trong dân, tức thay vì gửi ngân hàng thì bán ra thị trường hoặc bán cho ngân hàng, nhưng…
“Huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay. Điều này chứng tỏ găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên, việc đưa lãi suất USD về 0 cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường”, ông Thúy nói.
Việc chống đô la hóa của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu khi không làm giảm tỷ lệ đô la hoá xuống, ngược lại tỷ lệ này đang tăng lên.
Trong năm 2014, vốn huy động ngoại tệ chỉ tăng ở mức 4,7% so với năm trước, nhưng trong năm 2015, con số này đã tăng lên 14,3%, mức tăng gấp 3 lần.
Trong khi đó, vốn huy động VNĐ có chiều hướng giảm tốc khi chỉ tăng 16,3% so với năm 2014, trong khi năm trước đó, con số này là 19,3%.
“Việt Nam chống đô la hóa nhưng nhờ chống đô la hóa mà đô la hóa lại tăng lên. Chúng ta chống đô la hóa bằng cách triệt tiêu nguồn sinh lợi vào USD, nhưng do đó mà người dân càng tập trung vào USD”, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra một nghịch lý.
Vấn đề thứ 2, trong khi vốn huy động USD tăng, người dân và doanh nghiệp lại có xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ từ có kỳ hạn sang không kỳ hạn. Rõ ràng, cùng một mức lãi suất bằng 0, việc gửi không kỳ hạn linh động hơn rất nhiều cho người găm giữ ngoại tệ.
Việc này gây ra vấn đề các ngân hàng không phải lúc nào cũng huy động đủ vốn ngoại tệ để cho vay.
“Chúng ta vay 200 triệu USD lãi suất là bao nhiêu? Tại sao phải đi vay khi lãi suất huy động ở Việt Nam là 0%, tức lãi vay trong dân là 0. Nhà kinh doanh không bao giờ đi vay mà bỏ chỗ lãi suất rẻ để đi tìm nơi có lãi suất cao, nhưng họ lại phải đi vay tới 200 triệu USD. Đấy là cả một vấn đề”, ông Thúy nêu thắc mắc.
(Theo cafef)