Thanh toán QR Code: Nhân tố góp phần “số hóa” ngân hàng
Dù tiềm năng là rất lớn, song chuyên gia vẫn cho rằng phải có những biện pháp tích cực hơn để có thể thúc đẩy thanh toán qua QR Code.
Hiện diện ở mọi nơi
Cách đây chỉ một, hai năm, vẫn có không ít người khó hình dung được có ngày mình sẽ chỉ cần cầm một chiếc smartphone ra đường là có thể làm tất cả mọi thứ, từ đặt xe, ăn uống, mua vé máy bay, đi siêu thị, mua sách… mà không cần cầm theo ví, hay thẻ ngân hàng. “Tiêu tiền không cần ví” đã không còn xa lạ nữa. Bạn Mai Anh (20 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội) bước tới quầy thu ngân ở một cửa hàng tiện lợi để trả tiền cho một chai nước suối, và chỉ mất chưa đầy một phút đã có thể thanh toán qua QR Code của một ví điện tử.
Mai Anh chia sẻ, “ngày càng nhiều điểm chấp nhận thanh toán QR Code, nên các bạn trẻ bây giờ gần như không sử dụng tiền mặt nữa, nhất là khi thanh toán QR Pay luôn nhận được nhiều khuyến mãi giảm giá”.
Quý I/2020, doanh số thanh toán qua mã QR của VNPay-QR tăng trưởng 550% so với cùng kỳ năm 2019. Trong giai đoạn tháng 5,6/2020 sau khi bỏ giãn cách xã hội thì doanh số thanh toán của VNPay-QR vẫn tăng 150%. Chỉ trong một năm qua, số điểm chấp nhận thanh toán của VNPay-QR đã tăng vọt từ 20.000 điểm lên trên 70.000 điểm, VNPay-QR đã kết nối 33 ngân hàng và 7 ví điện tử.
Thông tin này được ông Ngô Anh Tuấn – Giám đốc kinh doanh VNPay-QR cho biết. Mức tăng trưởng tích cực này cũng dễ hiểu khi hiện nay, đi tới bất cứ đâu, từ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, trà sữa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng quần áo… ở bàn thanh toán đều dễ dàng nhận thấy ít nhất một biểu tượng chấp nhận thanh toán của ứng dụng thanh toán, ví điện tử, hay tổ chức thẻ như VNPay-QR, Napas, MoMo, Grab|Moca, ZaloPay…
Ra đời tại Nhật Bản từ năm 1994, QR Code – mã ma trận hai chiều (2D) cho tới nay đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nhãn hàng hoá, niêm yết thông tin, ứng dụng quảng cáo, card thông tin và ngày càng phát triển qua hoạt động thanh toán… với vai trò như một trung gian kết nối thông tin giữa DN và khách hàng. Chỉ đơn giản với một phần mềm QR scanner cài đặt trên điện thoại thông minh, khách hàng có thể tiếp cận thông tin được mã hoá qua QR Code.
Ứng dụng từ QR Code ngày càng được mở rộng tại thị trường Việt Nam, không chỉ với các giao dịch thanh toán, thời gian gần đây nhiều nhà băng đã công bố có thể dùng app của ngân hàng trên thiết bị di động để quét mã QR hiển thị tại màn hình ATM để rút tiền mà không dùng thẻ. Đơn cử tại VietinBank, từ tháng 6/2020, ngân hàng này đã chính thức triển khai chức năng rút tiền nhanh bằng mã QR tại ATM trên ứng dụng iPay Mobile dành cho chủ thẻ ghi nợ. Một loạt các ngân hàng khác như Vietcombank, Sacombank, BIDV, TPBank… đều đã ra mắt tính năng này.
Đòn bẩy cho thanh toán di động
Việc hàng loạt ngân hàng cho ra mắt tính năng rút tiền nhanh bằng mã QR tại ATM qua ứng dụng ngân hàng trên di động được ghi nhận là một trong những bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của các ngân hàng tại Việt Nam.
Số hoá ngân hàng, cũng đồng nghĩa với việc tiết giảm đi về mặt thời gian, thủ tục và chi phí. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia cho rằng ngay chỉ từ việc bổ sung tính năng thanh toán QR Code cho hệ thống Mobile Banking hiện tại, thì cả phía DN và ngân hàng đều đã cắt giảm được nhiều chi phí.
Theo đó, các nhà băng vừa tiết giảm được chi phí đầu tư cho ATM, POS, đồng thời cũng tăng khả năng mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán. Về phía người bán hàng, hay còn gọi là các merchant, đều sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư cho hoạt động thu ngân, kiểm đếm tiền hay chi phí khảo sát, lắp đặt, đầu tư thiết bị đầu cuối vật lý như khi lắp đặt POS. Các DN có nhiều điểm kinh doanh, thì mỗi điểm sẽ được cấp một mã QR giúp cho việc quản lý thu chi được thuận tiện hơn.
Một điểm quan trọng nữa là khi trải nghiệm thanh toán qua QR Code, khách hàng đều nhận thấy không chỉ là sự tiện lợi khi không cần lo vấn đề tiền lẻ, không cần mang thẻ, mà đặc biệt là không lo lộ thông tin thẻ tại các điểm cà thẻ. Khách hàng là người trực tiếp nhập, xác nhận số tiền cần thanh toán trên điện thoại di động của mình thay vì nhân viên cửa hàng quẹt thẻ qua POS và nhập số tiền thanh toán, nên chuyên gia cho rằng đây chính là ưu điểm khi giảm thiểu rủi ro sai lệch về số tiền thanh toán cho khách hàng, không lo bị đánh cắp thông tin thẻ như giao dịch thanh toán cà thẻ thông thường. QR code cũng có tới hai lớp bảo mật cùng định dạng đặc biệt của mã, theo tiêu chuẩn toàn cầu của EMVCo quốc tế, bởi vậy an ninh trong giao dịch thanhh toán sẽ được đảm bảo hơn.
Phó tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân nhận định, QR Code là mắt xích trong chu trình xây dựng hệ sinh thái mobile payment. Thực tế, việc chuyển dịch từ internet banking sang mobile banking ngày càng được các nhà băng chú trọng, để mang các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tới gần hơn với khách hàng. Các giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm, trả nợ vay, thanh toán hoá đơn điện, nước, viễn thông… đều được thực hiện rất thuận tiện qua ứng dụng mobile banking.
Dù tiềm năng là rất lớn, song chuyên gia vẫn cho rằng phải có những biện pháp tích cực hơn để có thể thúc đẩy thanh toán qua QR Code. Theo đó, cần có các chương trình thúc đẩy DN áp dụng phương thức thanh toán QR Code. Các NHTM phải ngày càng nâng cao, tăng cường cơ sở hạ tầng an ninh để đảm bảo thông suốt trong hoạt động thanh toán; đơn giản hoá thủ tục, quy trình đăng ký merchant.
Thêm nữa, ông Lân nhận thấy để tiếp cận được với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, các nhà băng tích cực hợp tác với các tổ chức, DN để cung cấp dịch vụ ngân hàng ở mọi cấp độ. Như việc có thể cung cấp API để ứng dụng mobile của các bên thứ ba có thể tích hợp và thực hiện các thủ tục thanh toán cho các dịch vụ được cung ứng. Và cũng nên hướng tới mục tiêu ứng dụng mobile của ngân hàng và của các đơn vị cung cấp dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông, tiêu dùng… có thể kết nối, liên thông với nhau để hình thành hệ sinh thái, cung cấp cho khách hàng các nhu cầu một cách thuận tiện nhất.
Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng