Thí điểm Mobile Money (bài 3): Bước tiến lớn từ chính sách

Thí điểm Mobile Money (bài 3): Bước tiến lớn từ chính sách

Thí điểm triển khai Mobile Money sẽ giúp cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) là cú hích mới cho thanh toán số.

Cơ hội tăng trưởng kinh tế

Theo ông Nguyễn Quang Trung, chuyên gia chuyển đổi số, “Tài khoản Mobile Money sẽ gắn với sims sẽ đặt nhà mạng vào việc cạnh tranh với các định chế tài chính khác như ngân hàng, hay các tổ chức thanh toán trực tuyến, đặc biệt là ở khu vực mà dịch vụ ngân hàng còn chưa “phủ sóng”.

Mobile Money gắn với sim có thể tạo ra một thực thể có lợi thế khi nhà mạng có thể áp dụng các khuyến mãi tạo ra các tỷ lệ khuyến mãi đây là lợi thế cực lớn của người dùng Mobile Money.

Lợi ích của thanh toán di động là người dùng có thể sử dụng thiết bị di động để thực hiện việc thanh toán mua bán hàng hóa bất cứ lúc nào, ở đâu, tiện lợi, hoạt động đơn giản, dịch vụ cá nhân, đa chức năng, chi phí thấp, phạm vi rộng, không bị ràng buộc về thời gian, không gian và các ưu điểm khác.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hóa nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%”.

Hiện nay, với 50% dân số Việt Nam hiện chưa có tài khoản thanh toán ngân hàng nhưng số lượng thuê bao di động lại rất lớn, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến ngân hàng giao dịch. Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm.

Hiện có tổng cộng 90 quốc gia trên thế giới đã phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động. Số lượng người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua mobile money là khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.

Theo nhận định của Ngân hàng Standard Chartered, nếu như xây dựng cơ sở hạ tầng ngân hàng đòi hỏi một nguồn vốn lớn và địa điểm thích hợp, Mobile Money sẽ là một lựa chọn hoàn hảo khi tính đến yếu tố chi phí và khả năng tiếp cận vì tỷ lệ thâm nhập Internet của khu vực là 58%. Trong đó, hơn 90% truy cập thông qua thiết bị di động.

Mobile Money giúp người dân thanh toán các hàng hóa, dịch vụ với số tiền nhỏ thuận tiện hơn mà không cần tài khoản ngân hàng.

Mobile Money giúp người dân thanh toán các hàng hóa, dịch vụ với số tiền nhỏ thuận tiện hơn mà không cần tài khoản ngân hàng.

Quản lý ra sao?

Theo ông Nguyễn Quang Trung, kỳ thực trong các nước ở Đông Nam Á có các nước nghèo hơn Việt Nam như Myanmar họ đã thúc đẩy việc sử dụng Mobile Money từ 2 năm trước, việc các nhà mạng cạnh tranh nhau xây dựng các hệ thống trung gian thanh toán và triển khai các giải pháp Mobile Money làm cho người dân tiện lợi hơn trong các giao dịch thanh toán dịch vụ như điện, nước, nạp tiền điện thoại và mua sắm trực tuyến…thúc đẩy các giao dịch thương mại điện tử.

Các nhà mạng lớn ở Myanmar như MPT hay Ooredoo đang triển khai các giải pháp thanh toán qua ví điện tử để đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của khách hàng của mình, tuy nhiên chính phủ Myanmar chưa hình thành một chính sách rõ ràng cho việc triển khai cũng như cấp phép cho các nhà mạng được triển khai trên diện rộng, nên kỳ thực việc các nhà mạng đưa ra các giải pháp phục vụ khách hàng của mình cũng khá hạn chế.

Nếu quản lý theo kiểu ngân hàng, dịch vụ sẽ nằm dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý tài chính quốc gia. Các nhà cung cấp dịch vụ di động phải làm việc với ngân hàng. Người dùng phải tuân thủ các quy định về định danh khách hàng. Ưu điểm của mô hình này là an toàn hơn cho hoạt động thanh toán và người dùng dịch vụ. Nhưng hạn chế là các ngân hàng phải mở rộng quy mô, người dùng ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được, thủ tục pháp lý cũng phức tạo hơn.

Nếu quản lý theo mô hình nhà mạng di động, mỗi người dân sử dụng một số điện thoại đã được định danh đều có thể sử dụng dịch vụ. Độ phủ của ngành viễn thông lớn hơn rất nhiều so với các chi nhánh ngân hàng, nên khả năng phục vụ người dân cũng rộng hơn. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là tính an toàn, bảo mật không cao. Nhà mạng buộc phải xử lý được tình trạng sim lậu, sim rác trước khi Mobile Money bùng nổ. Để giải quyết những rủi ro tài chính liên quan đến rửa tiền, gian lận. Các nhà cũng cấp viễn thông sẽ giới hạn lượng tiền được giao dịch trong một tháng.

Cái “bắt tay” giữa các doanh nghiệp

Theo quyết định thí điểm, một doanh nghiệp muốn triển khai dịch vụ Mobile Money là doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc là công ty con được Công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông (Doanh nghiệp thực hiện thí điểm).

Như vậy, doanh nghiệp viễn thông sẽ có lợi thế nếu có sẵn sản phẩm ví điện tử. Còn những doanh nghiệp gốc là ví điện tử sẽ rất khó để triển khai trực tiếp Mobile Money, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp ví sẽ không có cách hưởng lợi khi Mobile Money được triển khai.

Từ những điều kiện trên có thể thấy xu hướng tới rất có thể sẽ có những cái “bắt tay” giữa doanh nghiệp ví điện tử và các công ty viễn thông, bởi điều này sẽ giúp các ví có thể tập trung vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng liên kết tới các sàn thương mại điện tử, xúc tiến việc áp dụng Mobile Money cho sàn thương mại càng sớm càng tốt. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để xử lý rào cản thanh toán trên các sàn thương mại hiện nay chủ yếu vẫn sử dụng tiền mặt.

Nguồn: Nguyễn Long – Diễm Ngọc – Diễn đàn tài chính

Share this post