Tín dụng vùng khó khăn: Mức cho vay 30 triệu đồng còn phù hợp?

Tín dụng vùng khó khăn: Mức cho vay 30 triệu đồng còn phù hợp?

Tín dụng vùng khó khăn: Mức vay 30 triệu đồng còn phù hợp?

Theo phản ánh của các hộ vay vốn, thì cần phải nâng mức cho vay của chương trình để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

Các chương trình tín dụng cho vay tại vùng khó khăn đã khơi dậy được tiềm năng về phát triển kinh tế của cả vùng, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập đáng kể, nâng cao cuộc sống cho bà con ngay chính mảnh đất, quê hương mình. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ vay vốn, thì cần phải nâng mức cho vay của chương trình để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

Cho vay

Hàng chục nghìn khách hàng được vay vốn

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, hơn 13 năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ.

Cụ thể, tại Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn (Quyết định 31) và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (Quyết định 92) đã đem lại những kết quả thiết thực, từng bước làm thay đổi nhận thức và tư duy cách thức làm ăn tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa, từ cuộc sống du canh, du cư sang định canh, định cư, góp phần ổn định kinh tế, xã hội tại địa phương.

Các chương trình tín dụng cho vay tại vùng khó khăn đã khơi dậy được tiềm năng về phát triển kinh tế của cả vùng, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập đáng kể, nâng cao cuộc sống cho bà con ngay chính mảnh đất, quê hương mình.

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 11/2015, thực hiện chương trình cho vay theo Quyết định số 31, doanh số cho vay đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng với dư nợ gần 15.400 tỷ đồng. Nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,3% tổng dư nợ. Chương trình đã cho trên 1,8 triệu lượt hộ vay vốn, và hiện có gần 680 nghìn hộ đang còn dư nợ.

Đối với chương trình cho vay theo Quyết định 92, tính đến hết tháng 11/2015, doanh số cho vay gần 1.000 tỷ đồng, với dư nợ trên 250 tỷ đồng. Chương trình đã cho hơn 30 nghìn lượt khách hàng vay vốn, và hiện có 8,3 nghìn khách hàng đang còn dư nợ.

Muốn ngân hàng nâng mức cho vay

Bên cạnh những kết quả đạt được, mức cho vay hiện nay đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn còn thấp, mỗi hộ chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng nên chưa đáp ứng đủ vốn để sản xuất kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Hương ở xóm Trại Cài 1, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết, năm 2012 gia đình chị vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH 30 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn này, cộng với vốn tự có, gia đình đã đầu tư vào trồng chè. Hiện nay với 3 sào chè, bình quân 1,3 tạ chè khô/tháng, trừ các khoản chi phí, thu nhập của gia đình vào khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng. “Nguồn vốn ưu đãi đã thực sự giúp gia đình tôi có thêm động lực để vươn lên làm ăn hiệu quả và không còn nghèo như trước kia nữa”, chị Hương cho hay.

Cũng theo chị Hương, hiện nay thị trường yêu cầu sản phẩm chè phải sạch, ngon, đẹp về mẫu mã hình thức nên chi phí đầu tư cho sản xuất cũng vì vậy tăng theo, vì vậy trước tiên phải có vốn dư dật của gia đình cộng với nguồn vốn vay của Nhà nước, mà vốn vay hiện nay còn ít, chưa đáp ứng đủ để mở rộng. Gia đình kiến nghị các cấp, các ngành cho vay lên khoảng 150 triệu đồng.

Ông Lê Đình Tấn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Trại Cài 1, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết, Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý hiện có 53 tổ viên, dư nợ cho vay 930 triệu đồng. Trong đó, có nhiều hộ được vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và sử dụng vốn vay khá hiệu quả.

“Nhờ vốn vay mà bà con nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế gia đình và nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững trên vùng đất khó. Tuy nhiên, mức cho vay hiện nay đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân miền núi tối đa được vay 30 triệu đồng là chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của bà con. Để đáp ứng được cần phải nâng mức cho vay của chương trình, có như vậy bà con đầu tư vào sản xuất sẽ tập trung hơn”, ông Tấn kiến nghị.

Trước nhu cầu thực tế của các hộ vay, đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ điều chỉnh mức cho vay để đáp ứng nhu cầu thực tế cho bà con, qua đó sẽ góp phần thiết thực trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

( trích thoibaonganhang)

 

 

 

Share this post