Tổ chức tín dụng – tập trung vốn cho tam nông
Tập trung vốn cho tam nông
Hiện nay, riêng tại Thái Bình có tới 85 Quỹ tín dụng nhân dân, đứng thứ 2 toàn quốc, còn với lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn thì đã đóng góp cho 165/286 xã đạt được 19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới.
Vốn ngân hàng được quy ra… nông sản
Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi có dịp về thăm hệ thống NH quê lúa Thái Bình. So với hồi đầu năm, những cán bộ, nhân viên của NHNN Chi nhánh Thái Bình đã được làm việc trong trụ sở mới, ai cũng vui vẻ, từ nhân viên cho đến Giám đốc NHNN – ông Đinh Ngọc Thạch.
Nhưng có lẽ niềm vui nữa mà qua trò chuyện chúng tôi mới được Giám đốc tiết lộ. Đó là năm 2015 vừa qua hoạt động NH Thái Bình mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng đạt được 2 điểm nhấn quan trọng là: mức tăng trưởng tốt, ổn định và triển khai rộng rãi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP).
“Hiện nay, riêng tại Thái Bình có tới 85 Quỹ tín dụng nhân dân, đứng thứ 2 toàn quốc, còn với lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn thì đã đóng góp cho 165/286 xã đạt được 19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới” – ông Thạch chia sẻ.
Năm 2015 cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ và cho vay theo Nghị định 55 (từ tháng 7/2015) dư nợ đạt 11.140 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước 2014, chiếm tới 36,3% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với gần 120 nghìn khách hàng còn dư nợ. Những con số thống kê cho thấy, tất cả các chương trình liên quan tới cho vay nông nghiệp, nông thôn đều được hệ thống Ngân hàng ở quê lúa tích cực triển khai.
Đơn cử như, hệ thống NH Thái Bình đã cho vay lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và tôm khoảng 215 tỷ đồng, với gần 7,8 nghìn khách hàng còn dư nợ. Vào những thời điểm chăn nuôi và các sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn, hệ thống NH đã chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bằng cách gia hạn nợ. Trong năm 2015 đã có gần 380 hộ gia đình, doanh nghiệp được gia hạn nợ với dư nợ 11,5 tỷ đồng.
Được xem là vựa lúa của miền Bắc nên ngành NH cũng đã đẩy mạnh cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 345 tỷ đồng, tăng 24,9% so với thời điểm cuối năm 2014; khối lượng thu mua thóc, gạo năm 2015 ước đạt 164 nghìn tấn (lãi suất cho vay phổ biến ở mức 7-8%/năm).
Ngoài ra, các lĩnh vực cho vay gắn với nhiệm vụ chính trị và các chương trình quốc gia cũng được hệ thống NH tỉnh đẩy mạnh. Chẳng hạn, cho vay theo phát triển thủy sản theo Nghị định 67 và Nghị định 89, các NHTM trên địa bàn chủ động tiếp cận các chủ tàu theo Quyết định của UBND tỉnh, tổ chức Hội nghị với các chủ tàu để giải đáp kiến nghị.
Đến nay các NHTM đã ký hợp đồng cho 10 chủ tàu số tiền cam kết cho vay là 130 tỷ đồng. Thái Bình cũng được đánh giá là một trong những địa phương triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tốt nhất toàn quốc và thành tích này có đóng góp không nhỏ từ hệ thống các TCTD. Dư nợ cho vay ước đạt 11.419 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2014 với gần 213 nghìn khách hàng là DN, cá nhân, hộ sản xuất vay phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới.
Số lượng phải đi cùng với an toàn tín dụng
Tín dụng tăng trưởng khá tốt, nhưng NHNN Chi nhánh Thái Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường kiểm soát hoạt động tín dụng, thực hiện cho vay cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật, tích cực triển khai các giải pháp thu hồi nợ xấu… Tính đến ngày 31/12/2015, nợ xấu chiếm khoảng 0,9% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Theo ông Đinh Ngọc Thạch – Giám đốc NHNN Chi nhánh Thái Bình, Chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về định hướng điều hành chỉ đạo hoạt động NH trên địa bàn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương. NHNN Chi nhánh sẽ tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động NH trên địa bàn thông qua việc triển khai cơ chế, chính sách, định hướng hoạt động.
Cùng với đó ngành NH Thái Bình tiếp tục thực hiện các Đề án khoa học, Đề án hoạt động của Ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê, dự báo tiền tệ, tín dụng góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành, đảm bảo hệ thống NH trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động NH theo chương trình đã xây dựng; trọng tâm là thanh tra, kiểm tra hoạt động tín dụng, thanh tra việc chấp hành các quy định của NHNN về lãi suất huy động, lãi suất cho vay…
NHNN chi nhánh Thái Bình cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát NH; phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của công tác thanh tra NH, đảm bảo an toàn hoạt động NH trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường cho vay nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cho vay theo các chương trình của Chính phủ như cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay đóng tàu, cho vay nhà ở theo Nghị quyết 02…
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay, ông Đinh Ngọc Thạch cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình huy động, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng…
Tăng cường cho vay phục vụ SXKD, các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, phù hợp với định hướng của Ngành, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nâng cao chất lượng đầu tư tín dụng, tập trung vốn đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chăn nuôi, chế biến lợn, gia cầm thủy sản, cho vay nước sạch. Đồng thời kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng của Ngành, góp phần thực hiện tốt điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam.
( trích thoibaonganhang)