Xử lý nợ xấu bằng sàn giao dịch nợ
Xử lý nợ xấu bằng sàn giao dịch nợ
Đầu năm 2016, một sự kiện được giới tài chính đặc biệt quan tâm là việc NHNN công bố dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ để lấy ý kiến các tổ chức và cá nhân. Nhiều chuyên gia kỳ vọng đây là một trong những công cụ giúp cho nợ xấu của nền kinh tế giảm và “dòng máu” tài chính lưu thông tốt hơn, góp phần làm tăng trưởng kinh tế.
Mở rộng đối tượng mua bán nợ
Theo dự thảo nghị định thì các món nợ sẽ được mua bán như một hàng hóa thông thường. Bên bán nợ chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua nợ và nhận thanh toán bằng tiền từ bên mua nợ. Các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài và Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này, vì thực tế hiện nay các tổ chức này đang được thực hiện mua bán nợ.
Đối tượng của dự thảo nghị định là Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các công ty quản lý tài sản (AMC), trong đó xem xét cho phép AMC được hoạt động như một doanh nghiệp mua bán nợ chuyên nghiệp (theo quy định hiện hành AMC chỉ được mua nợ của TCTD khác, không được mua nợ của tổ chức kinh tế và cá nhân), nhưng việc thành lập và hoạt động vẫn thực hiện theo Luật các TCTD và hướng dẫn của NHNN.
Dự thảo nghị định cho phép tổ chức (trừ doanh nghiệp), cá nhân có nhu cầu thực hiện hoạt động mua bán nợ thường xuyên, liên tục nhằm mục đích sinh lời phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện. Theo đó, tổ chức (trừ doanh nghiệp), cá nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ quy định tại nghị định này được thực hiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ mà không cần phải cấp phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo nghị định là nội dung về dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực cho thị trường mua bán nợ để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Cụ thể, trong dự thảo nghị định quy định sàn giao dịch nợ là nơi tập trung, tiến hành thường xuyên các hoạt động giao dịch mua và bán nợ, tư vấn, môi giới mua, bán nợ. Dự thảo nghị định cũng đề cập đến hoạt động môi giới mua bán nợ là việc làm trung gian, dàn xếp việc mua, bán nợ giữa các bên mua, bán nợ và được hưởng phí dịch vụ môi giới theo thỏa thuận.
Thực ra việc mua bán nợ không phải là mới ở Việt Nam, nhưng trước đây chỉ phát triển ở mức sơ khai. Khái niệm mua bán nợ còn khá mới với hầu hết mọi người, ngay cả đối với những người làm trong lĩnh vực tài chính. Hơn nữa Việt Nam cũng chưa thực sự có công ty mua bán nợ đúng nghĩa. Trước đây, việc mua bán nợ mới chỉ là giao dịch giữa AMC và chính NH mẹ của mình, còn giao dịch mua bán nợ thực sự giữa các TCTD rất ít. DATC là một công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức mua bán nợ của doanh nghiệp nhà nước. VAMC ra đời được kỳ vọng nhiều vào việc sẽ mua nợ xấu của TCTD và xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế sau hơn 2 năm hoạt động VAMC mới chỉ dừng lại là “kho cất nợ xấu” cho nhà băng chứ chưa phải là một tổ chức xử lý nợ thực sự.
Kỳ vọng mới
Tại các thị trường tài chính phát triển, nợ không chỉ được mua bán như một hàng hóa thông thường, mà còn được chứng khoán hóa thành những phần nhỏ khác nhau để có thể dễ dàng giao dịch trên thị trường tài chính. Chính việc giao dịch chứng khoán nợ quá phát triển dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bùng phát. Tuy nhiên, giới chuyên gia đều đánh giá cao “phát minh” chứng khoán nợ này đã góp phần làm cho thị trường tài chính năng động hơn rất nhiều. Do vậy, thị trường mua bán nợ phát triển là điều hết sức cần thiết để dòng chảy tài chính được lưu thông. Đây cũng là một trong những điều kiện vô cùng cần thiết để việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn.
Giả sử một NH nào đó có một khoản nợ xấu với doanh nghiệp, nhưng NH này lại không đủ năng lực chuyên môn hoặc không phù hợp để xử lý khoản nợ đó. Nếu không có thị trường mua bán nợ khoản nợ này sẽ “bất động” và điều này đồng nghĩa với một nguồn lực lớn của nền kinh tế sẽ bị lãng phí. Và khi có một thị trường mua bán nợ, khoản nợ này sẽ được định giá và giao dịch, NH sẽ thu được một khoản tiền và có thể tái đầu tư, doanh nghiệp có thể hồi sinh hoặc ít ra tài sản thế chấp cũng thể được hoạt động trở lại. Như vậy nguồn lực của nền kinh tế sẽ được vận động.
Hiện nay tổ chức mua bán nợ thực sự (không thuộc NH) chỉ có VAMC và DATC. VAMC không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định này. Năm 2015, VAMC đã mua 99.300 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, với 109.800 tỷ đồng dư nợ gốc. Tính trong hơn 2 năm qua (kể từ tháng 10-2013 đến nay), VAMC đã mua nợ xấu đạt trên 243.000 tỷ đồng dư nợ gốc và trên 208.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu đặc biệt. Nợ xấu VAMC mua của các TCTD đến tháng 10-2015 chiếm 48% nợ xấu toàn bộ hệ thống NH, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến 30-11-2015 xuống chỉ còn 2,72%. Đây là con số “đẹp”, tuy vậy thực chất phần lớn nợ xấu chưa được xử mà tạm thời “khoanh lại” trên sổ sách để không thể hiện trên báo cáo tài chính. Thực tế số nợ xấu này vẫn nằm trong nền kinh tế và làm tắc nghẽn “mạch máu” của nền kinh tế.
Trước việc kéo dài thời gian xử lý nợ xấu và kết quả chưa đạt được như kỳ vọng, nhiều ý kiến trước đây đã có đề xuất về việc thành lập công ty định giá độc lập các khoản nợ để giúp cho 2 bên mua và bán nợ có cơ sở để định giá. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là một trong những yếu tố góp phần hình thành thị trường mua bán nợ. Yếu tố cần là phải có nhiều đối tượng tham gia mua bán nợ.
( trích daututaichinh)