Ngân hàng nên có quy định thế chấp tài sản vô hình
Ngân hàng nên có quy định thế chấp tài sản vô hình
Một số nhà quản lý đâu đó đặt vấn đề thế chấp bằng tài sản vô hình hay nói rõ hơn là các phát minh sáng chế, ý tưởng kinh doanh… có thể mang ra làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Câu chuyện không có tài sản thế chấp vay vốn tín dụng của các DNNVV có lẽ sẽ tiếp tục là vấn đề được nhắc đến trong vài năm tới, trong khi các quy định hiện hành ràng buộc ngân hàng cho vay phải có tài sản đảm bảo. Gần đây các chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng phải nâng đỡ cho các công ty khởi nghiệp có vốn làm ăn. Một số nhà quản lý đâu đó cũng đặt vấn đề thế chấp bằng tài sản vô hình hay nói rõ hơn là các phát minh sáng chế, ý tưởng kinh doanh… có thể mang ra làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Mặc dù chưa có quy định các NH nhận tài sản vô hình để đảm bảo nợ vay, nhưng trong thực tế thời gian qua một số công ty nhỏ sản xuất sản phẩm mới ở trong khu công nghệ cao TP.HCM đã vay được vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh, dựa trên phương án, hiệu quả mặt hàng sản xuất, thị trường tiêu thụ và cơ chế bảo lãnh.
Trong quá trình thu thập tư liệu người viết bài này nhận thấy rằng ngoài phương án kinh doanh, các công ty này phải cung cấp cho ngân hàng tên DN, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế. Trong khi số lượng DN bỏ trốn khỏi địa bàn hàng năm mà cơ quan thuế địa phương truy tìm là không nhỏ, đến khi tìm ra thì đã kinh doanh ngành nghề khác và đăng ký mã số thuế ở một tỉnh thành khác.
Thực tế này đã làm cho các ngân hàng ngán ngại, về thực trạng trình bày phương án một đằng nhưng lại kinh doanh một nẻo. Thậm chí, nhiều cán bộ tín dụng hiện nay còn đề phòng đối với những phương án kinh doanh được đối tác trình bày quá lý tưởng.
Vốn đầu tư mới là một nhu cầu có thực trên thị trường, nhất là trong xu hướng xã hội đang thay đổi nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường hiện nay sử dụng chính vốn kiến thức đã học để tạo lập sự nghiệp, thay vì xin làm công ở các công sở và DN. Từ đây rất nhiều ý tưởng kinh doanh, phát minh sáng chế được thai nghén và đã cho ra đời.
Hiện nay những ý tưởng sáng tạo, phát minh sáng chế về quyền sở hữu tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ… hiện được quy định tại mục 163, điểm 181, điều 322 Luật Dân sự năm 2015 và Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rất rõ.
Thế nhưng, khi mang những phát minh sáng chế ra làm tài sản thế chấp nợ vay thì cần phải có quy định về giá thị trường cho tài sản đó. Tài sản vô hình có chuyển nhượng được không và cơ quan nào định giá cho những tài sản vô hình… thì hiện vẫn chưa có cơ quan nào thực hiện. Nên các ngân hàng không dám cầm các ý tưởng kinh doanh, phát minh sáng chế làm tài sản đảm bảo nợ vay.
Có thể lấy ra một ví dụ: nhà ở hình thành trong tương lai trên thị trường BĐS (tương tự như tài sản vô hình), đã được mang ra thế chấp vay vốn và ngân hàng giải ngân theo tiến độ công trình. Sản phẩm căn hộ chung cư được cơ quan hữu quan xác định giá, chủ đầu tư được phép huy động vốn theo dự án công trình, các ngân hàng lên dự toán để cho vay rất mạnh đến nỗi nhà điều hành phải hãm lại.
Có thể nói, ý tưởng kinh doanh rất nhiều, nhưng nó có thương mại hóa được hay không thì rất cần sự đỡ đầu của các cơ quan quản lý Nhà nước. Giả định có một ngân hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư cho một phát minh sáng chế nào đó để kỳ vọng cho vay có hiệu quả, thì ngân hàng cho vay vốn cũng phải tìm mọi thông tin hợp pháp hóa hồ sơ tín dụng như tài sản hữu hình. Có lẽ điều này rất khó xảy ra.
(trích thoibaonganhang)