Gửi tiết kiệm sinh lời và an toàn trong mùa dịch
Do tác động của dịch bệnh COVID-19 nên việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên với nhiều người tiết kiệm ngân hàng trở thành đầu tư sinh lời ổn định và an toàn nhất trong mùa dịch. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, để thu hút khách hàng, các ngân hàng đã có động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm sau nhiều tháng chững lại.
Tăng lãi suất tiền gửi để “hút” khách hàng
Theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, từ đầu tháng 6/2021, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đã có những điều chỉnh tăng nhẹ. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 2 năm nay. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm một số ngân hàng tăng từ 0,1 – 0,3 điểm % so với trước đó ở kỳ hạn 6 và 12 tháng.
Đơn cử, trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 – 0,3%. Ngân hàng này chủ yếu điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài như kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm, kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm. Ở kỳ hạn 36 tháng, khách hàng được hưởng lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy là 6,4%/năm, gửi tiết kiệm online cao hơn 0,2%.
Cũng trong đà tăng nhẹ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới theo hướng tăng. Cụ thể, khách gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng là 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên 5%/năm…, các mức lãi suất này tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Một số kỳ hạn dài lãi suất được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm %, cao nhất là kỳ hạn 36 tháng có lãi suất 6,4%/năm.
Tương tự, lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,1%, kỳ hạn 3 tháng đến 11 tháng cũng tăng 0,2% cho mỗi kỳ hạn so với trước đó. Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa bổ sung thêm gói tài khoản Đắc Lộc với lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.
Bên cạnh đó, vẫn có một số ngân hàng tiếp tục duy lãi suất tiết kiệm ở mức cao. Hiện Ngân hàng TMCP Phương đông (OCB) đang có lãi suất niêm yết ở mức 8,2%/năm, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường. vẫn duy trì ở vị trí thứ 1 với lãi suất 8,2%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng.
Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có lãi suất 7,4%/năm áp dụng với các khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Mức lãi suất cao nhất ghi nhận được tại ngân hàng MB trong tháng này là 6,9%/năm, áp dụng với số tiền gửi từ 200 tỷ đồng tới dưới 300 tỷ đồng tại kỳ hạn 24 tháng.
Bên cạnh điều chỉnh lãi suất, một số ngân hàng tung ra các sản phẩm tiết kiệm với cái tên hấp dẫn chẳng hạn như phát lộc, thịnh vượng… để hút vốn mạnh hơn, hấp dẫn hơn, với lãi suất cao hơn trên dưới 0,5 điểm % so với gửi thông thường. Với các gói này, khách hàng thường được yêu cầu không được rút trước hạn, song có thể chọn lựa linh hoạt nhiều kỳ hạn (phổ biến là từ 6 tháng trở lên) phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn của mình. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) ưu đãi mức lãi suất 7,1%/năm đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn.
Gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn nhất
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, lãi suất có xu hướng tăng nhẹ những ngày gần đây là do thanh khoản của hệ thống không còn quá dư thừa như năm 2020, tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi huy động vốn không tăng cùng tốc độ. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư chuyển dịch dòng tiền vào các kênh đầu tư khác chứa đựng nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản…
Việc các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm là một trong những cách giúp khách hàng có kênh đầu tư yên tâm sinh lời ổn định và lâu dài, tránh những rủi ro trên thị trường trong mùa dịch. Bởi, nhiều chuyên gia nhìn nhận, thị trường chứng khoán thời gian qua hấp dẫn nhà đầu tư nhưng đang có dấu hiệu “nóng” và tiềm ẩn rủi ro, thị trường bất động sản cũng đã qua cơn sốt nóng, nhiều nhà đầu tư còn đang bị kẹt hàng… Bởi vậy, gửi tiết kiệm ngân hàng có lãi suất thấp nhưng độ an toàn là gần như tuyệt đối, nếu có nguồn vốn dài hạn không dùng đến thì có thể đầu tư thêm vào các sản phẩm khác của ngân hàng để hưởng lãi cao hơn mà lại an toàn như gửi tiết kiệm thông thường, đầu tư trái phiếu ngân hàng hoặc chứng chỉ tiền gửi…
Việc lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ gần đây đang dấy lên lo ngại lãi suất cho vay có thể sẽ tăng? Tuy nhiên, theo Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và NHNN sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, mặt bằng lãi suất có thể sẽ vẫn được giữ ổn định ở mức thấp trong quý II/2021.
Cùng chung nhận định, TS Cấn Văn Lực dự báo, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định trong vài quý tới và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm, nếu tín dụng tăng mạnh.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Nguồn: Hương Giang – Thời báo ngân hàng